Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, quy mô còn hạn chế, sức chống chịu có hạn, buộc chúng ta phải xây dựng nền kinh tế tự chủ để chống chọi các tác động bên ngoài. Và muốn làm được điều này chúng ta phải phát triển đội ngũ doanh nghiệp lớn mạnh.
Trong bối cảnh quy mô còn hạn chế, sức chống chịu có hạn, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ để chống chọi với các tác động từ bên ngoài. Trong ảnh: công đoạn lắp ráp ôtô tại Tập đoàn THACO ở Chu Lai, Quảng Nam - Ảnh: HỮU HẠNH
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh như trên tại hội nghị giữa Thủ tướng với các doanh nghiệp với chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững" vào ngày 11-8.
Nhiều ngành phục hồi "kỷ lục"
Các doanh nghiệp nhận định dù nền kinh tế đã gặt hái được những "kỳ tích" trong 7 tháng qua, song giai đoạn cuối năm sẽ đối diện với nhiều khó khăn, cần sự trợ lực để doanh nghiệp phát triển, lớn mạnh. Đại diện các doanh nghiệp ngành du lịch, hàng không đều đưa ra những con số ấn tượng về tốc độ tăng trưởng.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch HĐQT Vietravel, sử dụng từ "kỳ diệu" khi cho biết đến nay du lịch nội địa đã phục hồi 130% và doanh thu đã bằng thời điểm trước dịch.
Tương tự, ông Phạm Việt Dũng, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, cũng cho hay thị trường hàng không nội địa đã phục hồi hoàn toàn so với trước dịch, vận chuyển hành khách trong nước tăng 12% so với năm 2019.
Theo ông Dũng, các cảng hàng không có tần suất bay cao như Phú Quốc (Kiên Giang) đã đạt 100 chuyến bay mỗi ngày, vượt cả Cam Ranh (Khánh Hòa). Nhưng theo ông Dũng, thị trường quốc tế phục hồi rất chậm.
Còn đối với ngành thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đưa ra con số "kỷ lục" với mức phục hồi nhanh trong suốt 2 thập kỷ qua. Đáng chú ý, có những mặt hàng như cá tra Việt Nam đang chi phối 95% nguồn cá thịt trắng toàn cầu.
Với kết quả này, ông Nam tự tin dự báo lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu thủy sản cán cột mốc trên 10 tỉ USD trong cả năm nay, tăng 12 - 15% so với năm ngoái. Tương tự, ngành dệt may Việt Nam xuất siêu đạt hơn 11 tỉ USD, tăng 31% so với năm ngoái.
Đến nay, thị trường hàng không nội địa đã phục hồi như trước dịch COVID-19. Trong ảnh: hành khách tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Khó khăn về vốn
Dù bức tranh kinh tế 7 tháng đầu năm tươi sáng song các doanh nghiệp đều cho biết đang đối diện với nhiều khó khăn bủa vây, đặc biệt là khó khăn về dòng tiền và vốn. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, chỉ ra thực tế các tập đoàn xây dựng hầu hết đều có nợ đọng từ vài trăm đến vài ngàn tỉ đồng trong khi vốn eo hẹp.
Do đó, doanh nghiệp phải vay ngân hàng để trang trải thi công với lãi suất thông thường khoảng 9 - 10%/năm. Chính vì thế, ông Hiệp cho biết thực tế có những tập đoàn một quý năm 2022 đạt doanh thu đến 3.000 tỉ nhưng lợi nhuận chưa đến... 10 tỉ đồng.
Và theo ông Hiệp, hiện nay nhiều ngân hàng siết room tín dụng nên tín dụng cho doanh nghiệp xây dựng cũng bị hạn chế trong khi mặt bằng lãi suất còn cao. Do đó, ông Hiệp đề xuất cần có những chính sách ưu tiên hợp lý tín dụng cho ngành xây dựng, đặc biệt là các dự án trọng điểm.
Tương tự, ông Trương Văn Cẩm, phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cũng cho biết trong thời gian chống dịch vừa qua, tiềm lực về vốn, tài chính của nhiều doanh nghiệp khá khó khăn, có những doanh nghiệp đọng tiền hoàn thuế VAT trên 5 tỉ đồng trong thời gian dài.
Riêng đối với ngành du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ đánh giá các gói giãn và giảm về tài chính tác dụng quá ngắn, chủ yếu trong giai đoạn dịch, thị trường chưa trở lại nên tác dụng không nhiều.
Do đó, ông Kỳ đề nghị phải xem xét lại các chính sách hỗ trợ, đơn cử gói hỗ trợ 2% đến thời điểm này hầu như các doanh nghiệp cũng như doanh nghiệp du lịch của ông không tiếp cận được bởi nhiều rào cản.
"Các ngân hàng đều yêu cầu muốn vay mới phải trả nợ cũ để bảo đảm an toàn và phải có tài sản thế chấp, nhưng tài sản trong 2 năm dịch đều thế chấp hết rồi", ông Kỳ nói.
Còn theo ông Phạm Tấn Công - chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện sức ép tài chính cho các doanh nghiệp rất lớn.
Theo ông Công, với sức ép như hiện nay, nguồn vốn, tài chính là mạch máu cho doanh nghiệp, do đó Chính phủ cần đẩy mạnh chương trình hỗ trợ phục hồi đã được Quốc hội thông qua. Đồng thời Chính phủ cũng cần khai thông hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% theo nghị định 32 và cần cân đối cả việc nới room tín dụng bởi bảo đảm nguồn vốn cho doanh nghiệp từ nay đến cuối năm rất quan trọng.
Nguồn: Bộ kế hoạch và đầu tư - Dữ liệu: Ngọc Hiển - Đồ họa: Tuấn Anh
Hình thành doanh nghiệp dẫn dắt
Cho rằng doanh nghiệp Việt đang phục hồi tích cực, song Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra thực tế doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, thiếu cả về số lượng và chất lượng.
Theo ông Dũng, số doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động tăng đáng kể nhưng tỉ lệ doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động vẫn còn cao. Trong khi đó lại thiếu vắng các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn. Hiện quy mô doanh nghiệp quá nhỏ bé so với các nước trong khu vực và trên thế giới khi 98% trên tổng số doanh nghiệp Việt đều có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Đánh giá về mức độ tham gia các chuỗi cung ứng, ông Dũng cho biết mới 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài, trong khi số doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam có xu hướng tăng mạnh trong giai đoạn gần đây.
"Nhiều doanh nghiệp còn nặng tư duy kinh doanh thời vụ, ngắn hạn, thiếu tầm nhìn chiến lược, ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ đối với Nhà nước, cộng đồng, xã hội, nhất là về nghĩa vụ thuế, bảo vệ môi trường, chống gian lận thương mại", ông Dũng nhận dịnh.
Ông Dũng đặt vấn đề doanh nghiệp cần phải hành động sớm nhất, phải chắt chiu từng cơ hội nhỏ nhất để vươn lên khi Việt Nam đang có nhiều thuận lợi. Trong số các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ông Dũng nhấn mạnh cần có chính sách khuyến khích hình thành lực lượng doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt trong một số ngành kinh tế trọng điểm.
Cần tiếp tục có các giải pháp đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là tín dụng xanh, trong đó có các gói tài chính cho vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp trong việc chuyển đổi cơ cấu, công nghệ sang hướng hiện đại, giảm thải carbon.
Giải thích thêm về những khó khăn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay Ngân hàng Nhà nước "cảm nhận áp lực từ nhiều phía", đơn cử như lãi suất, doanh nghiệp muốn giảm, nhưng người gửi tiền trong bối cảnh lạm phát tăng cao cũng cần có mức lãi suất phù hợp.
Với vấn đề tín dụng mà nhiều doanh nghiệp kiến nghị, bà Hồng cho hay thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát, điều chỉnh nốt phần tăng trưởng tín dụng của 14% còn lại và tiếp tục theo dõi diễn biến lạm phát để phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ đạt những mục tiêu đề ra.
"Đối với thị trường bất động sản, nguồn vốn của bất động sản giải quyết được rất nhiều kênh như từ FDI, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng chỉ là 1 kênh", bà Hồng nói.
Tiếp tục giảm thuế, phí xăng dầu Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TTXVN Trao đổi với đại diện của 1.200 doanh nghiệp tại các điểm cầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn, mất mát, thậm chí hy sinh của cộng đồng doanh nghiệp trong 2 năm qua. Dù điểm lại những kết quả ấn tượng của nền kinh tế và doanh nghiệp, song người đứng đầu Chính phủ cũng nhận định doanh nghiệp đang đứng trước những thách thức chưa có tiền lệ, trong đó có sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, xung đột Nga - Ukraine vẫn kéo dài, lạm phát ở nhiều nước tăng cao kỷ lục... Ngoài ra, nhiều quốc gia, trong đó có những đối tác lớn của nước ta thay đổi chính sách theo hướng tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ, tài khóa và rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, nguy cơ suy thoái kinh tế có xu hướng gia tăng. Theo Thủ tướng, để nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát triển vững mạnh, Thủ tướng nêu ra giải pháp ngắn hạn và dài hạn, trong đó nhấn mạnh phải thúc đẩy các loại thị trường phát triển mạnh mẽ, bền vững và minh bạch, như thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường lao động... Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải "tổng rà soát" các khó khăn, vướng mắc của tất cả các doanh nghiệp và xử lý dứt điểm các khó khăn này. Tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới. Thủ tướng nhấn mạnh phải tiếp tục hỗ trợ, giảm thuế, phí xăng dầu, các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, Thủ tướng gửi gắm đến cộng đồng doanh nhân Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực xây dựng đội ngũ doanh nhân có bản sắc Việt Nam như có lòng yêu nước, nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, có bản lĩnh, trí tuệ, liêm chính trong kinh doanh... "Mỗi doanh nhân, mỗi doanh nghiệp hãy là một chiến sĩ tinh nhuệ, quả cảm, bản lĩnh trên mặt trận kinh tế, nỗ lực cùng Chính phủ sớm giành được chiến thắng trong cuộc chiến đấu với đại dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển bền vững", Thủ tướng nói. |
Thiếu vốn, doanh nghiệp và người lao động gặp khó Chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TP Cần Thơ - Ảnh: CHÍ QUỐC Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 11-8, ông Nguyễn Quốc Anh, chủ tịch Hội Cao su - nhựa TP.HCM, cho rằng khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp ngành cao su, nhựa hiện nay đó là giá nguyên vật liệu bởi 80 - 90% nhập khẩu. Theo ông Quốc Anh, do chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc đã làm đứt gãy nguồn cung, căng thẳng giữa Nga - Ukraine đã làm một số nguyên vật liệu vận chuyển từ Nga về khó khăn nên giảm nguồn cung, tăng giá. Do đó giá nguyên vật liệu ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp rất lớn. Bên cạnh đó, giá xăng dầu đã nhiều đợt hạ nhiệt nhưng chi phí vận tải vẫn còn neo cao khiến chi phí sản xuất cao. Để giải quyết những khó khăn và hạn chế những tác động của thị trường thế giới đến các doanh nghiệp ngành cao su, nhựa, Việt Nam cần có một chính sách và chiến lược để phát triển ngành công nghiệp hóa dầu nội địa. "Phải làm thế nào để các nhà đầu tư thấy được rằng nếu ngành công nghiệp hóa dầu sản xuất được ở Việt Nam sẽ có những tiềm năng. Đây là ngành công nghiệp lớn, đòi hỏi vốn lớn, trong khi chúng ta chỉ mới sơ khai với vài nhà máy, nên vấn đề là làm sao để ngành hóa dầu tốt lên, có sức hút hơn", ông Quốc Anh nói. Trong khi đó, phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM Nguyễn Chánh Phương lại cho biết ngành gỗ giảm tốc xuất khẩu khá đột ngột từ tháng 4, trong đó giảm lớn nhất là vào thị trường Mỹ. Một trong những vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp ngành gỗ hiện nay được ông Phương nhìn nhận đó là khó khăn về nguồn vốn để tái cấu trúc doanh nghiệp trong bối cảnh giảm đơn hàng ít nhất từ 6 - 12 tháng. Theo ông Phương, doanh nghiệp cần sự đồng hành, trợ lực của các tổ chức tín dụng về vốn, đảm bảo tài chính. Bởi khi các doanh nghiệp xuất khẩu rơi vào tình trạng dòng tiền chậm do giảm xuất khẩu, trong khi các ngân hàng siết chặt tín dụng, giảm hạn mức, lãi suất cho vay đồng USD cao hơn so với trước... dẫn đến vốn lưu động của doanh nghiệp kẹt. "Khi vốn lưu động kẹt, doanh nghiệp không tiếp tục sản xuất, như vậy sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người lao động. Chúng tôi kiến nghị các ngân hàng thương mại nới room tín dụng cho các doanh nghiệp sản xuất", ông Phương nói. |
* Ông Phạm Văn Tài (tổng giám đốc Công ty CP ôtô Trường Hải - Thaco): Trợ lực về thuế để thúc đẩy sản xuất nội địa Để giúp doanh nghiệp lắp ráp sản xuất ôtô trong nước gia tăng tỉ lệ nội địa hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong đó, giá tính thuế giá trị đặc biệt đối với ôtô sản xuất trong nước được tính theo hướng giá trị sản xuất trong nước, tức là tỉ lệ nội địa hóa được khấu trừ vào giá thuế tiêu thụ đặc biệt. Còn đối với ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, chúng tôi kiến nghị Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Luật phát triển công nghiệp vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2023 được Quốc hội thông qua. Từ đó tạo hành lang pháp lý để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ. |
Theo Ngọc Hiển/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/xay-dung-doanh-nghiep-manh-de-tao-nen-kinh-te-tu-chu-2022081209015835.htm