'Không muốn đặt toàn bộ gánh nặng kinh tế lên vai chồng giữa mùa dịch, tôi đã ấp ủ ý tưởng một quán ăn online từ lâu. Nhưng cứ nghĩ tới kinh doanh lại cảm thấy sợ. Chưa kể bán online còn biết bao nhiêu điều lạ lẫm', chị Diệu Linh Q.Tân Bình chia sẻ.
Vừa muốn phụ chồng lo kinh tế, vừa cần thời gian chăm sóc con, chị Linh mắc kẹt giữa những khó khăn chồng chất. Ý tưởng mở cửa hàng bày ra trước mắt chị một sự bộn bề đáng sợ.
Cũng chịu ảnh hưởng của đại dịch, gia đình chị Thúy Phượng (quận 10, TP.HCM) vốn đã khó khăn nay càng cơ cực hơn. Trước đây, chị bán khẩu trang và đồ vải ở một khu chợ tạm.
Khi chợ bị tạm ngưng do dịch bệnh, việc học hành, sinh hoạt của cả nhà đều nhờ cậy cả vào những chuyến xe Gojek của chồng là anh Kim Hùng. Nỗi lo về những khoản chi tiêu mỗi tháng khiến chị trăn trở đêm ngày tìm kế sinh nhai, cũng không biết bắt đầu từ đâu nếu chuyển hướng kinh doanh online.
Nỗi lo lắng của chị Linh, chị Phượng không phải là duy nhất trong khóa học "Để không ai bị bỏ lại phía sau - Mùa 2" do Gojek phối hợp thực hiện cùng chương trình truyền hình CafeTek HTV và Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM.
Với hầu hết những người lao động phổ thông như hai chị, những câu hỏi như nấu món gì, quản lý thu chi ra sao, mở gian hàng online hay thao tác trên điện thoại thông minh thế nào... cũng đủ để khiến họ chùn bước.
Tại đây, người thân của các đối tác tài xế Gojek được tham gia các buổi đào tạo về kỹ năng quản lý kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ GoFood của Gojek như: lập kế hoạch tài chính & quản lý cửa hàng; các kỹ thuật nấu ăn, pha chế phổ biến; các nguyên tắc cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm, cách chọn nguyên vật liệu và chế biến thực phẩm an toàn...
Việc công ty hỗ trợ 2 triệu đồng/gian hàng trực tuyến còn giúp việc khởi nghiệp kinh doanh của các học viên suôn sẻ hơn.
Theo ông Phùng Tuấn Đức - tổng giám đốc Gojek Việt Nam, đại dịch vừa làm sâu sắc thêm khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, vừa tạo ra sự phân hóa lớn giữa những người biết tận dụng được sức mạnh công nghệ với những người không thạo.
Đó là lý do Gojek quyết định mở rộng chương trình "Để không ai bị bỏ lại phía sau - Mùa 2", giúp mang sinh kế mới đến cho những người đang loay hoay.
Sau khi tham gia chương trình, chị Diệu Linh đã được hỗ trợ để đưa gian hàng Ben's House, Cây Cám đi vào hoạt động. Chị biết cách quản lý tài chính và quản lý một gian hàng ẩm thực online, tự tin để dấn thân vào môi trường kinh doanh hoàn toàn mới mẻ.
Với những người ở độ tuổi 40, 50 như chị Phượng, việc tự tay chụp những bức ảnh đồ ăn, thức uống hấp dẫn để giới thiệu cho khách và thuần thục nhận đơn, giao đồ cho các tài xế Gojek là một bước tiến ấn tượng.
Bằng sự chỉn chu vốn có của người nội trợ cùng sự hỗ trợ của công nghệ, quán nước ép trên GoFood của chị nhanh chóng được yêu mến, mang lại thêm thu nhập cho gia đình.
Trong bối cảnh thói quen của người tiêu dùng thay đổi do dịch COVID-19, khi ngày càng nhiều người đổi sang sử dụng dịch vụ đặt đồ ăn trực tuyến, việc các cửa hàng dịch chuyển lên các nền tảng số như GoFood của Gojek sẽ mở ra cho họ những cơ hội mới chưa từng có.
Do đó, những chương trình như "Để không ai bị bỏ lại phía sau" có ý nghĩa như "chiếc chìa khóa" giúp cho nhiều cá nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực ăn uống tham gia vào nền kinh tế số.
Theo C.Trung/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/ban-hang-online-khi-co-hoi-khong-cua-rieng-ai-20220112211055068.htm