Giao dịch bất động sản, kinh doanh trên nền tảng internet là những hoạt động sẽ được ngành thuế tăng cường quản lý trong năm nay.
Hết thời kê khai giá thấp
Bộ Tài chính mới đây có công văn gửi Bộ Công an, Bộ Tư pháp và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đề nghị phối hợp chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản (BĐS). Đây là công văn thứ 2 chỉ trong chưa đầy 1 tháng mà bộ này đề cập đến vấn đề chống thất thu thuế lĩnh vực BĐS. Trước đó, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu Tổng cục Thuế, UBND tỉnh thành tăng cường công tác phòng chống thất thu thuế trong chuyển nhượng BĐS.
Cơ quan thuế đang tập trung giám sát mảng thương mại điện tử ĐÀO NGỌC THẠCH
Số thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ chuyển nhượng BĐS, nhận thừa kế và nhận quà tặng là BĐS mỗi năm đứng thứ 2 trong 10 nguồn thu thuế TNCN và chiếm trên 10% tổng số thu thuế TNCN. Thế nhưng, số thuế chỉ hơn 10.000 tỉ đồng mỗi năm từ các hoạt động này được đánh giá là chưa tương xứng so với giao dịch thực tế. Hiện tượng kê khai giá giao dịch BĐS thấp hơn so với thực tế nhằm giảm đi số thuế phải nộp khá phổ biến trong thời gian qua. Ví dụ, một căn nhà giao dịch với giá 10 tỉ đồng sẽ phải đóng thuế TNCN là 200 triệu đồng (thuế suất 2%) nhưng hợp đồng công chứng để giá 2 tỉ đồng, số thuế phải đóng giảm xuống chỉ còn 40 triệu đồng, nhà nước thất thu 160 triệu đồng còn người bán ăn gian được số tiền này. Vì thế, người mua và người bán thường bắt tay nhau để kê khai thấp giá trị thật của BĐS chuyển nhượng nhằm giảm thuế.
Ông Nguyễn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Q.5 (TP.HCM), cho biết thời gian qua, cán bộ thuế thường trả lại những hồ sơ chuyển nhượng BĐS có giá kê khai giá thấp hơn so với giá thị trường. Đối với giao dịch căn hộ, việc xác định giá đơn giản hơn do có giá sàn từ chủ đầu tư. Còn đối với nhà đất, cán bộ thuế có nghiệp vụ thu thập giá mua bán lần trước của căn nhà đó, giá giao dịch gần nhất trên cùng một khu vực. Ngoài ra, thông qua một số nghiệp vụ khác, chẳng hạn tài khoản ngân hàng, để có thể xác định được giá giao dịch.
Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, ủng hộ việc tăng cường chống thất thu thuế đối với lĩnh vực này. Lâu nay, lĩnh vực này thất thu khá nhiều, số thuế đóng góp trong tổng thu không đáng kể, thuế TNCN chủ yếu từ tiền công, tiền lương. Đợt này cơ quan thuế làm “mạnh tay” để tạo sự công bằng cho người nộp thuế, bởi gần như ai cũng kê khai giá tính thuế thấp hơn giao dịch, dẫn đến trốn thuế “tùm lum”. Thực tế, nhiều vụ cơ quan thuế trả hồ sơ cho người dân kê khai lại mà họ không đồng ý thì sẽ chuyển qua cơ quan công an. Nếu bị phát hiện tội trốn thuế vì kê khai giá thấp, cả người mua và người bán đều bị xử phạt hình sự.
Đẩy mạnh chống thất thu thuế thương mại điện tử
Không những lĩnh vực BĐS, cơ quan thuế hiện nay cũng tập trung nhiều vào thu thuế lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT). Cuối năm 2021, Chi cục Thuế Q.1 (TP.HCM) xác định 2/7 công ty vận hành các ứng dụng giao đồ ăn và 1/5 công ty điều hành sàn TMĐT lớn thuộc chi cục quản lý. Truy cập hệ thống quản lý hoạt động TMĐT của Bộ Công thương, Chi cục Thuế Q.1 xác định được hơn 1.600 đơn vị đang đăng ký kinh doanh trên website.
Cơ quan thuế tiếp tục triển khai thu thập dữ liệu của người nộp thuế trong thời gian tới qua nhiều kênh khác nhau. Đồng thời phối hợp với các cơ quan ban ngành, hệ thống ngân hàng trong công tác quản lý thuế kinh doanh trực tuyến, chuyển nhượng BĐS… nhằm tránh thất thu thuế.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh (Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh danh cá nhân - Tổng cục Thuế)
Sau khi rà soát, cơ quan thuế đưa 470 công ty vào kế hoạch chống thất thu thuế TMĐT. Kết quả kiểm tra 2 đơn vị vận hành ứng dụng đặt đồ ăn ghi nhận có 5.247 cá nhân và tổ chức trên địa bàn quận phát sinh doanh thu 663 tỉ đồng trong năm 2020, còn năm 2021 có 4.635 cá nhân, tổ chức phát sinh doanh thu 515 tỉ đồng. Riêng sàn TMĐT Lazada có 3.947 cá nhân, tổ chức đăng ký bán hàng trong 2 năm qua, nhưng chưa cung cấp doanh thu. Trong quá trình kiểm tra, chi cục thuế phát hiện doanh thu của các hộ kinh doanh kê khai vượt quá 50% thì điều chỉnh lại số thuế khoán của các hộ kinh doanh này.
Cục Thuế TP.HCM vừa thu thập được dữ liệu của hơn 14.600 tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT thuê giao hàng có thu hộ tiền hàng trong năm 2017 và 2018 với tổng số tiền thu hộ là 15.090 tỉ đồng. Cơ quan thuế đang triển khai xác định tình trạng nộp thuế và sẽ có yêu cầu giải trình, xử lý theo quy định đối với trường hợp chưa kê khai nộp thuế. Đồng thời thông qua 4 ngân hàng thương mại, cơ quan thuế có thông tin của 4.784 tổ chức, cá nhân có thu nhập phát sinh trong năm 2020 và 3 tháng đầu năm 2021 từ Google, Facebook, YouTube, Netflix, Apple với tổng số tiền từ nước ngoài là 48 triệu USD và 20 tỉ đồng.
Ngoài ra, Cục Thuế đã làm việc với các công ty đối tác tại VN (thường gọi là MCN - Multi Channel Network, hệ thống mạng lưới đa kênh) làm nhiệm vụ quản lý các kênh YouTube tự sản xuất nội dung số và có chi hộ tiền của Google cho các cá nhân là các cá nhân sản xuất nội dung trên YouTube tại VN. Kết quả số lượng cá nhân MCN đã khấu trừ 3.101 người với tổng doanh thu 379 tỉ đồng, số tiền thuế đã khấu trừ là 20 tỉ đồng.
Cơ quan thuế cả nước trong năm qua thời gian qua cũng đã thu được 1.314 tỉ đồng từ các tổ chức VN có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại VN như Google, YouTube, Facebook. Số thu từ cá nhân tự kê khai, số thuế truy thu, tiền phạt qua thanh tra kiểm tra đối với cá nhân cư trú tại VN cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại các trang mạng xã hội nước ngoài Google, Facebook, YouTube... tính đến hết tháng 10.2021 là 498 tỉ đồng.
Theo Thanh Xuân/Thanh niên
https://thanhnien.vn/siet-thue-bat-dong-san-kinh-doanh-online-post1421286.html