Đến năm 2045, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một nước có nền nông nghiệp hiện đại; người nông dân có mức sống tương đương nước phát triển có thu nhập cao
Chiều 1-12, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đã có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) về tình hình thực hiện và công tác tổng kết 15 năm thực hiện nghị quyết.
Thay đổi diện mạo nông thôn
Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Bộ NN-PTNT đánh giá nông nghiệp đã duy trì tăng trưởng và đang chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao, an toàn thực phẩm được coi trọng; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, góp phần quan trọng giảm nghèo, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân nông thôn, đặc biệt trong các giai đoạn khó khăn của nền kinh tế. Giai đoạn 2008-2020 tốc độ tăng GDP ngành đạt 2,94%/năm.
Cơ cấu kinh tế nông nghiệp đang chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế, phù hợp nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Công nghiệp chế biến, bảo quản, phụ trợ được nâng cao năng lực và phát triển nhanh, cùng với ứng dụng công nghệ mới để giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông lâm thủy sản (NLTS).
Theo Bộ NN-PTNT, xuất khẩu NLTS tăng nhanh, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo nguồn thu ngoại tệ, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước; giai đoạn 2008-2020 đạt 378,65 tỉ USD, tăng 8,17%/năm. Đã có 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu từ 1 tỉ USD trở lên, trong đó có 6 mặt hàng trên 3 tỉ USD. Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 196 quốc gia, vùng lãnh thổ và xuất khẩu đứng thứ 2 Đông Nam Á, thứ 15 thế giới.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá nông nghiệp đã có bước phát triển vượt bậc, theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế…
Công tác giảm nghèo tiếp tục đạt nhiều kết quả, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn. Tỉ lệ hộ nghèo ở nông thôn tiếp tục giảm nhanh, năm 2020 còn 4,2%. Xây dựng nông thôn mới (NTM) đã trở thành phong trào mạnh mẽ lan rộng cả nước. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM về đích sớm, trước 1,5 năm và được Chính phủ đánh giá thành tựu đạt được là to lớn, toàn diện và lịch sử, tạo bước đột phá làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Dù đạt được nhiều thành tựu nhưng Bộ NN-PTNT cũng nhìn nhận nông nghiệp phát triển vẫn còn nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng thiếu ổn định; công nghiệp chế biến NLTS chưa phát triển mạnh, tổn thất sau thu hoạch còn cao; thị trường xuất khẩu khó khăn; đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, ứng dụng khoa học - công nghệ cao chưa trở thành động lực mới cho đổi mới mô hình tăng trưởng; quan hệ sản xuất đổi mới còn chậm. Nông dân có thu nhập và đời sống phần lớn thấp hơn so với khu vực thành thị.
Về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp giai đoạn tới, Bộ NN-PTNT cho rằng nông nghiệp, nông dân, nông thôn đóng vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; trong đó nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực. Nông nghiệp tiếp tục bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm trong tình hình mới; thước đo mức độ bền vững của nền kinh tế.
Cùng với đó phát triển nông nghiệp bền vững, cân bằng trên cả 3 khía cạnh: kinh tế - xã hội - môi trường; trong đó nông nghiệp sinh thái được hướng tới là mô hình sản xuất quan trọng, dựa trên động lực là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khai thác, phát huy lợi thế vùng, miền, lĩnh vực để giải phóng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Chuyển đổi theo tư duy kinh tế nông nghiệp, tập trung nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng thông qua ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ mới, phát triển nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số trong nông nghiệp, tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội vào sản phẩm.
Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những vấn đề lớn, có tính chiến lược và là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết 26, nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc, theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế trong những thời điểm kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn chịu nhiều tác động của dịch Covid-19 hiện nay.
Gợi mở 6 vấn đề để các đại biểu tập trung thảo luận, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị cần nêu bật những kinh nghiệm, bài học quý báu trong thực hiện Nghị quyết 26 và định hướng trong giai đoạn tới, giải pháp cụ thể phát triển khoa học - công nghệ để trở thành động lực chính thúc đẩy pháp triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, tạo việc làm mới, nâng cao năng suất lao động, thu nhập gia tăng cho người dân nông thôn, đặc biệt là nông dân. Cùng với đó là việc hoàn thiện đồng bộ thể chế mới thúc đẩy phát triển theo định hướng "nông nghiệp sinh thái", "nông thôn hiện đại", "nông dân thông minh", chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn...
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhìn nhận báo cáo của Bộ NN-PTNT nêu toàn diện những kết quả đạt được nhưng cần phân tích làm rõ, cụ thể hơn những nguyên nhân tồn tại để có những giải pháp hợp lý trong thời gian tới.
Bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cho rằng qua 13 năm thực hiện Nghị quyết 26, chúng ta đạt được rất nhiều thành tựu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. "Tuy nhiên phải thừa nhận kết quả đạt được của nông dân còn khiêm tốn".
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, những kết quả rất to lớn chúng ta đạt được sau 13 năm thực hiện có vai trò rất lớn của Bộ NN-PTNT. Ông Nguyễn Duy Hưng đề nghị nên chăng chỉ tiêu tăng trưởng nông nghiệp thời gian tới cần đặt ra mục tiêu cao hơn kết quả đạt được thời gian qua. Bên cạnh đó phải đặt việc quan tâm đến đời sống, thu nhập của nông dân lên hàng đầu và làm tốt công tác quy hoạch làng nghề, khu công nghiệp để tạo sinh kế cho người nông dân.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định nông nghiệp là một ngành thiết yếu, thước đo mức độ bền vững của nền kinh tế. Vì vậy, trên cơ sở tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW, trong bối cảnh thế giới đang phát triển theo hướng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số, Việt Nam phải thực hiện các cam kết trong hội nhập về thương mại, môi trường...; sự chuyển dịch lao động về khu vực nông thôn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, ngành nông nghiệp nông thôn tiến hành tổng kết, tham mưu xây dựng nghị quyết với cách tiếp cận mới, phù hợp với Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo tầm nhìn tới năm 2045 của Bộ NN-PTNT, Việt Nam trở thành một nước có nền nông nghiệp hiện đại. Người dân nông thôn có mức sống tương đương của nước phát triển có thu nhập cao.
Năm 2025, thu nhập dân cư nông thôn gấp 1,5 lần năm 2020
Bộ NN-PTNT đưa ra mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 2,5% - 3%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 50 tỉ USD; cả nước có ít nhất 80% xã, 50% đơn vị cấp huyện, 15 tỉnh đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; thu nhập dân cư nông thôn gấp 1,5 lần năm 2020.
Đến năm 2030, duy trì tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 2,5% - 3%/năm; tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn trên 10%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS đến năm 2030 đạt trên 60 tỉ USD; có ít nhất 90% số xã, 70% đơn vị cấp huyện, 25 tỉnh đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; thu nhập dân cư nông thôn tăng gấp 3 lần năm 2020.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/kinh-te/xay-dung-nen-nong-nghiep-hien-dai-20211201212502949.htm