6 tháng cuối năm nay dự báo sản xuất nông nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn bởi hiện giá vật tư đều tăng. Để khắc phục, ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang triển khai các giải pháp khôi phục, phát triển sản xuất.
Gặp khó vì giá vật tư tăng
Hộ bà Phan Thị Nguyệt, thôn Ngò 2, xã Đồng Kỳ (Yên Thế) mỗi năm xuất chuồng khoảng 10 nghìn gà thịt các loại. Theo bà Nguyệt, 1 nghìn gà nuôi từ lúc mới nở đến khi xuất chuồng (khoảng 100 ngày) tiêu thụ bình quân 310 bao cám (loại 25 kg/bao). Loại này hiện có giá 300 nghìn đồng/bao, tăng hơn thời điểm cuối năm ngoái 60 nghìn đồng/bao. Như vậy, chi phí thức ăn chăn nuôi (TACN) tăng thêm 18,6 triệu đồng/1 nghìn gà.
Bà Phan Thị Nguyệt, thôn Ngò 2, xã Đồng Kỳ (Yên Thế) chăm sóc đàn gà 25 ngày tuổi của gia đình.
“Thu nhập chính của gia đình tôi trông cả vào nuôi gà. Nếu giá cám cứ tăng, trong khi gà thịt giữ giá như hiện nay thì người chăn nuôi sẽ phải giảm tổng đàn vì lo lỗ vốn”, bà Nguyệt nói. Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT Yên Thế, năm nay địa phương sản xuất khoảng 12 triệu con gia cầm. 6 tháng vừa qua, người chăn nuôi gia cầm trong huyện đã phải chi phí thêm hơn 100 tỷ đồng.
Giá TACN tăng cũng khiến chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn bởi giá giống vẫn ở mức cao, giá lợn hơi lại đang đà giảm, dao động ở mức từ 59 - 61 nghìn đồng/kg. Ông Ngô Xuân Lương, Chủ tịch Hội chăn nuôi lợn sạch Tân Yên cho biết: “Người nuôi lợn phải chi phí TACN thêm gần 700 nghìn đồng/tạ lợn hơi. Với giá lợn giống, lợn hơi, cám như hiện nay, giá thành chăn nuôi lợn đang ở mức hòa”. Chi phí tăng thêm còn chưa bao gồm vắc-xin, thuốc thú y, hóa chất phòng, chống dịch bệnh khác bởi giá các loại thuốc này cũng tăng trong thời gian gần đây.
Hiện, nông dân cũng gặp khó vì giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đều tăng. Chị Nguyễn Thị Trà, thôn Quý Thịnh, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) chia sẻ, gia đình có 10 ha cây ăn quả gồm vải thiều, cam, bưởi. Mỗi năm chị phải sử dụng khoảng 7 tấn phân vô cơ, 50 tấn phân hữu cơ (loại đóng bao khô). Với giá hiện tại, gia đình chị phải chi thêm gần 4 triệu đồng/ha tiền phân bón.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, mỗi năm Bắc Giang tiêu thụ từ 850-860 nghìn tấn TACN. Tổng lượng phân bón sử dụng khoảng 470 nghìn tấn. Nông dân Bắc Giang sẽ phải chi thêm khoảng 4,4 nghìn tỷ đồng do giá TACN và phân bón tăng. |
Theo nhiều đại lý TACN tại Bắc Giang, từ tháng 11/2020 đến nay giá các loại TACN tăng 8 lần, mỗi lần tăng trung bình 300 đồng/kg. Nhiều công ty tăng giá TACN từ 600 đồng đến 3 nghìn đồng/kg (tùy loại). Giá TACN nói chung đã tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá các loại phân bón cũng tăng bình quân từ 500 đồng đến hơn 2 nghìn đồng/kg, riêng đạm Ure tăng 5,2 nghìn đồng/kg, gần gấp đôi so với năm 2020. Được biết, do giá bán 2 loại vật tư này tăng cao, trong khi giá nông sản có chiều hướng hạ nên các đại lý rất ế hàng. Sản phẩm bán ra chỉ đạt khoảng 30% so với đầu năm nay.
Kịp thời ứng phó
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, mỗi năm Bắc Giang tiêu thụ từ 850-860 nghìn tấn TACN cho gia súc, gia cầm. Tổng lượng phân bón sử dụng khoảng 470 nghìn tấn, gồm: Phân đạm hơn 27 nghìn tấn; phân lân và kali khoảng 120 nghìn tấn; phân bón vô cơ hơn 220 nghìn tấn; phân bón hữu cơ, sinh học vi sinh khoảng 41 nghìn tấn và hơn 210 nghìn tấn phân chuồng. Nguyên nhân giá TACN và phân bón tăng mạnh là do nguồn cung tại các nước bị gián đoạn bởi dịch Covid-19. Trong khi nguyên liệu đầu vào sản xuất cám và phân bón của Việt Nam hầu hết nhập từ nước ngoài.
Người dân thôn Na Gu, xã Cao Xá (Tân Yên) chăm sóc lợn thương phẩm.
Việc hạn chế giao thương, vận chuyển trong nước do dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến giá thành sản phẩm. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lượng cầu giảm nên nông sản nói chung rất khó tiêu thụ khiến giá bán giảm theo. Bắc Giang là tỉnh sản xuất nông sản hàng hóa bán cho các tỉnh (khoảng 60% tổng lượng) nên vật tư sản xuất nông nghiệp tăng giá sẽ khiến toàn ngành gặp nhiều khó khăn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Dương Thanh Tùng cho biết, Sở đã ban hành kế hoạch cụ thể khôi phục các hoạt động phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Sở sẽ phối hợp với các huyện, TP tập trung cao triển khai các chương trình, dự án, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả; tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xây dựng các cơ chế chính sách về hỗ trợ chuỗi liên kết sản xuất; hỗ trợ các mô hình sản xuất công nghệ cao, hữu cơ; mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh… Cùng đó, Sở sẽ kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính cho thanh tra việc tăng giá TACN, phân bón. Trước mắt, người dân nên chăn nuôi với quy mô hợp lý, không tái đàn ồ ạt vì dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và thời tiết nắng nóng kéo dài. Các chủ nuôi cần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả TACN để giảm chi phí sản xuất.
Đối với trồng trọt, các địa phương cần khuyến khích người dân tăng cường sử dụng phân hữu cơ tại chỗ, bởi lượng phân từ chăn nuôi trong tỉnh rất lớn. Qua đó vừa giảm sử dụng phân vô cơ, chi phí lại cải tạo đất canh tác bền vững. “Người dân cần thực hành tốt “4 đúng” (đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng quy trình, đúng cách) để giảm chi phí. Không mua vật tư ồ ạt, tích trữ, nên mua đến đâu dùng đến đó vì phân bón, thuốc BVTV sẽ chỉ khan hiếm trong ngắn hạn. Khi dịch Covid-19 được đẩy lùi, việc lưu thông hàng hóa thuận lợi, giá các loại phân bón, TACN giảm, hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ trở lại bình thường”, ông Tùng nói.
TheoThế Đại/Báo Bắc Giang
http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/363981/bac-giang-khoi-phuc-san-xuat-nong-nghiep-sau-dich.html