Chưa bao giờ mùa vải thiều Bắc Giang lại đối mặt với khó khăn như năm nay do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tỉnh có cách làm mới, sáng tạo và đến nay đã tiêu thụ gần 90% sản lượng thuận lợi. Đây là dấu mốc quan trọng, khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn của tỉnh để có mùa vải thành công trong đại dịch.
Chung tay tiêu thụ vải thiều
Sớm đánh giá, nhận định tình hình, Bắc Giang xây dựng các kịch bản tiêu thụ vải thiều. Khi dịch Covid-19 bùng phát, tỉnh đã kích hoạt đồng thời các kịch bản ứng phó trong các tình huống. Ước tính sản lượng vải thiều toàn tỉnh tăng so với dự kiến (180 nghìn tấn). Đến nay, vải thiều tại huyện Tân Yên, Lục Nam, Lạng Giang, Yên Thế đã tiêu thụ xong chỉ còn Lục Ngạn, Sơn Động đang thu hoạch phần còn lại.
Sơ chế vải thiều tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thực phẩm Toàn Cầu trước khi xuất khẩu sang Nhật Bản.
Tỉnh đặt ra mục tiêu xây dựng vùng an toàn; lập các chốt kiểm soát người, phương tiện ra vào địa bàn. Với lái xe, thương nhân đến mua vải, địa phương ưu tiên tiêm phòng vắc-xin, xét nghiệm nhanh Covid-19. Phương tiện vận chuyển được ưu tiên lưu thông, có “luồng xanh” khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Tỉnh Bắc Giang chủ động gửi thông điệp tới các cơ quan báo chí truyền thông, người tiêu dùng “nói không với giải cứu vải thiều” mà cần sự giúp sức lan tỏa giá trị của trái vải thiều.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn nhấn mạnh, chưa bao giờ Bắc Giang nhận được sự chung tay, ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư, địa phương, đoàn thể trong tiêu thụ vải thiều như năm nay. Các cơ quan báo chí, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Cục Quản lý thị trường, Bưu điện tỉnh, ngân hàng… đều có công văn gửi cơ quan cùng ngành trong cả nước hỗ trợ tiêu thụ.
Nhờ đó đã kết nối được nhiều doanh nghiệp (DN), cơ quan thu mua với số lượng lớn. Đặc biệt, các hãng hàng không cũng ưu ái cho vải thiều Bắc Giang, ngoài hỗ trợ giá cước còn dành khoang riêng đưa vải thiều vào thị trường phía Nam.
Kết nối thị trường mới
Người dân Lục Ngạn chở vải đến điểm thu mua. Ảnh: Văn Vĩnh
Được sự chung tay hỗ trợ của cả nước cùng với tổ chức hội nghị trực tuyến 30 điểm cầu trong nước và quốc tế, vải thiều Bắc Giang không ngừng mở rộng thị trường. Trong nước, vải thiều đã vươn đến các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ, miền Trung… mà những vụ trước hiếm có. Với xuất khẩu, Bắc Giang vẫn duy trì tốt thị trường truyền thống Trung Quốc và xúc tiến đưa vải sang nhiều thị trường mới như: Mỹ, EU, Lào, Campuchia...; tiếp tục chinh phục thị trường khó tính Nhật Bản.
Anh Ngô Văn Cường, xã Phúc Hòa (Tân Yên) nói: “Khi dịch xảy ra tôi rất lo, nguy cơ một lần nữa vải thiều của xã lỡ hẹn với thị trường Nhật Bản. Được sự hỗ trợ của các cấp, cuối cùng vải sớm Phúc Hòa cũng sang nước này, ai nấy rất vui. Vụ vải này, tôi thu hơn 200 triệu đồng”.
Nhiều ý kiến cho rằng vải thiều thắng lợi mấu chốt vẫn là sản xuất bảo đảm chất lượng sản phẩm cao, có sự khác biệt và chủ động kết nối thị trường. Minh chứng rõ nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, vải thiều có chất lượng vượt trội, bảo đảm an toàn dịch bệnh. |
Năm nay đánh dấu bước tiến của vải thiều khi sản lượng tiêu thụ nhiều qua siêu thị, tập đoàn bán lẻ lớn như: Aeon, Mega Market, Lotte, Central Retail (GO! BigC), Vinmart, Vinmart+, Saigon Co.op. Các siêu thị đều dành vị trí đẹp để trưng bày, quảng bá.
Sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, càng khẳng định uy tín của vải thiều Bắc Giang. Chị Nguyễn Thị Huyền, TP Yên Bái (Yên Bái) chia sẻ: “Nhờ Bưu điện tỉnh kết nối nên tôi được mua vải thiều Bắc Giang. Quả to, đều, mã đẹp, rất ngon để dùng và biếu người thân”.
Bên cạnh phương thức bán hàng trực tuyến thì giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) được đẩy mạnh. Theo đại diện Sở Công Thương, trước đây việc “đưa vải lên sàn” chủ yếu ở bước thăm dò song với 7 trang TMĐT trong nước, quốc tế đã giao dịch tiêu thụ thành công hàng nghìn tấn vải thiều. Từ kết quả này, TMĐT sẽ được đẩy mạnh, người tiêu dùng tiếp cận nhanh, nhiều hơn.
Chất lượng sản phẩm là yếu tố sống còn
Dự kiến vụ vải thiều sẽ kết thúc sớm hơn, vào đầu tháng 7. Nhìn chung Bắc Giang có vụ vải thuận lợi trong điều kiện tác động bởi dịch bệnh. Ước tính, giá trị vải thiều và dịch vụ phụ trợ năm nay gần tương đương năm ngoái (năm 2021 đạt 6,8 nghìn tỷ đồng).
Nhiều hệ thống siêu thị trong nước bán vải thiều Bắc Giang.
Bài học rút ra ở vụ vải thiều này cho thấy, với sự chung tay của cả hệ thống chính trị từ T.Ư, địa phương, các đoàn thể, vải thiều đã được khơi thông sâu, rộng hơn trong nước. Nhiều vùng vốn chỉ biết vải thiều Bắc Giang qua truyền hình, mạng xã hội thì nay đã được thưởng thức và đánh giá cao chất lượng vải của Bắc Giang. Đây là thành công lớn trong tiếp cận thị trường, mở ra nhiều cơ hội cho những vụ vải tiếp theo.
Nhiều ý kiến cho rằng vải thiều thắng lợi mấu chốt vẫn là sản xuất bảo đảm chất lượng sản phẩm cao, có sự khác biệt và chủ động kết nối thị trường. Minh chứng rõ nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, vải thiều có chất lượng vượt trội, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, chất lượng sản phẩm là điều kiện quan trọng, khẳng định giá trị chứ không dừng ở số lượng. Cùng với đó là đẩy mạnh kênh TMĐT, đưa sang nhiều thị trường mới.
Những kết quả mùa vải đạt được thêm một lần nữa khẳng sự chỉ đạo, điều hành đúng đắn của cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng quá trình liên kết tiêu thụ cần quan tâm sản xuất, kết nối các mặt hàng phụ trợ, tránh để thiếu hàng hoặc bị đẩy giá lên cao.
Theo Trịnh Lan/Báo Bắc Giang
http://baobacgiang.com.vn/bg/thi-truong-vai-thieu-2021/362960/mua-vai-thieu-2021-thanh-cong-trong-gian-kho.html