Ngoại trưởng Iran gọi cáo buộc Tehran điều xuồng cao tốc bắt tàu dầu British Heritage là "vô giá trị" và chỉ nhằm gây căng thẳng.
Xuồng vũ trang Iran di chuyển trên eo biển Hormuz hồi cuối tháng 4/2019. Ảnh: AFP.
"Rõ ràng tàu dầu Anh đã di chuyển qua khu vực. Những cáo buộc được đưa ra chỉ nhằm gây căng thẳng và hoàn toàn vô giá trị", Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm nay phát biểu, đề cập việc quan chức Mỹ cho biết tàu chở dầu British Heritage của Anh bị 5 xuồng vũ trang nghi của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tiếp cận trên eo biển Hormuz hôm 10/7.
Quan chức Mỹ tiết lộ xuồng vũ trang Iran đã yêu cầu tàu dầu Anh đổi hướng và dừng lại tại lãnh hải Iran gần đó. Tàu hộ vệ tên lửa HMS Montrose của hải quân Anh lập tức chĩa pháo 30 mm về phía lực lượng Iran và đưa ra cảnh báo qua sóng vô tuyến, khiến họ rời đi.
IRGC cũng ra thông cáo bác bỏ thông tin từ phía Mỹ. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng Anh đáng lẽ không cần điều chiến hạm hộ tống tàu thương mại nếu nước này không tự đe dọa quyền tự do hàng hải bằng cách bắt siêu tàu dầu Iran.
Thủy quân lục chiến Anh hôm 4/7 bắt tàu dầu MT Grace 1 của Iran ngoài khơi vùng lãnh thổ hải ngoại Gibraltar với cáo buộc con tàu đang chuyển dầu thô tới nhà máy lọc dầu tại Syria, quốc gia đang chịu lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).
Video: IranbccobucbthttuduAnhVngVnh-VnExpress.mp4
Vụ bắt 'siêu tàu dầu' gây căng thẳng giữa Anh và Iran. Video: Next Media.
Iran coi vụ bắt tàu là hành động "không khác gì cướp biển", khẳng định tàu của họ đang chở dầu thô tới cảng Basra của Iraq, đồng thời triệu đại sứ Anh để phản đối. Tehran đe dọa sẽ trả đũa bằng cách bắt tàu dầu Anh, khiến London triển khai chiến hạm hộ tống tàu dầu để răn đe.
Sự việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Tehran và Washington leo thang sau các vụ tấn công tàu dầu trên vịnh Oman, vụ Iran bắn rơi trinh sát cơ không người lái của Mỹ gần eo biển Hormuz và tranh cãi về chương trình hạt nhân của Iran.
Theo Vũ Anh/VnExpress