Cơ quan phát triển tài chính quốc tế của Mỹ đang tiến hành thảo luận với Ấn Độ về việc kết nạp nước vào chương trình đối tác giữa Mỹ và đồng minh tại khu vực nhằm đối phó tham vọng của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo AFP
Sau khi ký kết thỏa thuận các tổ chức phát triển tài chính Nhật Bản và Úc, Cơ quan Hợp tác Đầu tư Tư nhân Nước ngoài (OPIC) hiện đang “thảo luận với Ấn Độ” để đạt được bản ghi nhớ với chính quyền New Delhi, tờ SCMP hôm 24.9 dẫn lời Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành OPIC, Ray Washburne, cho biết.
Những thỏa thuận đối tác này cho phép các nước liên quan triển khai trôi chảy quy trình hợp tác đầu tư trong những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng về năng lượng, giao thông, du lịch và công nghệ.
Các hoạt động đầu tư trên còn nhằm thu hút vốn tư nhân vào những dự án khổng lồ, mà trong một số trường hợp thậm chí có tổng số vốn đầu tư lớn gấp nhiều lần so với khả năng hợp lực của ba nước Mỹ - Nhật – Úc.
Mức độ ảnh hưởng của OPIC tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được dự kiến sẽ lớn mạnh trong trường hợp thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua dự luật mang tên “Build Act” nhằm trao thêm quyền đầu tư vốn vào các dự án phát triển thay vì chỉ duyệt chi các khoản vay.
Nếu được ký thành luật, OPIC sẽ được đổi tên thành Cơ quan Hợp tác Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (USIDFC), đồng thời nguồn tiền đổ vào các cơ sở hạ tầng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi.
Trước đó, tại diễn đàn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ở Washington, Ngoại trưởng Pompeo thông báo gói đầu tư trị giá 113 triệu USD (hơn 2,6 ngàn tỉ đồng) cho các sáng kiến phát triển công nghệ mới, năng lượng và cơ sở hạ tầng tại khu vực.
Mỹ “không tìm kiếm vai trò thống trị trong khu vực và sẽ chống lại bất kỳ nước nào có ý đồ này”, Reuters dẫn lời ông Pompeo nhấn mạnh.
Theo Thụy Miên/ Thanh Niên