BGTV- Với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục tại khu vực các huyện miền núi, những năm qua huyện Lục Ngạn đã và đang tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển cả về chất lượng và cơ sở vật chất, góp phần nâng cao dân trí, tạo nguồn đào tạo nhân lực cho địa phương.
Lấy học sinh làm trung tâm là định hướng, mục tiêu hoạt động của ngành giáo dục Lục Ngạn trong việc giúp trẻ tự tin phát triển toàn diện
Cũng như các trường học khác trên địa bàn huyện, thời điểm này, cán bộ giáo viên trường mầm non Chũ đang tích cực chuẩn bị cho năm học mới đang đến rất gần. Trường hiện có 33 cán bộ giáo viên, trong đó có 3 cán bộ quản lý, 29 giáo viên và 1 nhân viên. Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý theo chuẩn nghề nghiệp ở mức cao. Phòng lớp học của nhà trường được Ban giám hiệu cùng các cấp chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng hiện đại theo thiết kế chuẩn của Bộ Giáo dục từ phòng học, phòng ngủ, công trình vệ sinh liền kề, tạo thuận lợi cho công tác chăm sóc và giáo dục trẻ.
Năm học 2017 – 2018, với nội dung chính là lấy trẻ làm trung tâm, ngoài việc giáo dục trẻ theo giáo trình sư phạm, trường mầm non Chũ đã tổ chức cho trẻ 4 và 5 tuổi làm quen với tiếng Anh, thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho trẻ giúp các em mạnh dạn, tự tin và xây dựng các kỹ năng mềm cần thiết. Nhà trường đã huy động tối đa trẻ trong độ tuổi ra lớp, trong đó tổ chức 16 nhóm lớp với 20 trẻ nhà trẻ và 495 trẻ mẫu giáo. Bên cạnh đó công tác chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng của trẻ cũng được đặc biệt quan tâm, góp phần làm giảm tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng, nhà trường có chế độ chăm sóc phù hợp với trẻ thừa cân, béo phì. Trẻ được ăn 3 bữa, trong đó có 1 bữa chính buổi trưa và 2 bữa phụ chiều, tăng 1 bữa ăn trái cây nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, giúp các con phát triển khỏe mạnh.
Chất lượng giáo dục các bậc mầm non, tiểu học và THCS tại Lục Ngạn không ngừng được nâng cao những năm qua
Cô giáo Nguyễn Thị Hằng, hiệu trưởng nhà trường chia sẻ bước vào năm học mới, trường mầm non Chũ tiếp tục thực hiện phương châm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, với mục tiêu trở thành trường trọng điểm chất lượng cao của huyện, nhà trường đang tiếp tục đề nghị được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư kinh phí cải tạo cơ sở vật chất khu vực phòng ngủ, nhà vệ sinh, nhà bếp, xây vành lao và mở rộng diện tích đất... để điều kiện thuận lợi hơn cho công tác chăm sóc giáo dục trẻ của nhà trường trong thời gian tiếp theo.
Năm học 2017 - 2018, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Ngạn đã cơ bản ổn định và hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, cụ thể: hoàn thành chỉ tiêu phát triển số lượng học sinh các ngành học; chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng đào tạo học sinh giỏi và chất lượng thi tuyển và lớp 10 THPT có nhiều chuyển biến rõ nét. Giữ vững được kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và hoàn thành kế hoạch phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh. Cơ sở vật chất của nhiều trường được tăng cường, nhiệm vụ kiên cố hóa và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia cơ bản đảm bảo về tiến độ. toàn huyện có 94 trường học đạt chuẩn quốc gia; có 984 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, huyện; 100% cán bạn quản lý, giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên; 145 giải học sinh giỏi cấp tỉnh; tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,4% (đạt 101,4% KH)... Công tác xã hội hóa giáo dục được đặc biệt quan tâm, năm 2018 UBND huyện đã phân bổ hơn 24 tỷ đồng cho các trường xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị.
Trên cơ sở kết quả đạt được, năm học 2018 - 2019 toàn huyện có 3 nghìn 484 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Trong đó, tỷ lệ giáo viên/lớp ở ngành học Mầm non đạt 1,7 giáo viên; Tiểu học đạt 1,36 giáo viên; THCS đạt 2,0 giáo viên. Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đào tạo từ chuẩn trở lên đạt 100%, trên chuẩn đạt 83,05%. Huyện tiếp tục tổ chức rà soát bổ sung quy hoạch mạng lưới trường lớp, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; chỉ đạo thực hiện tốt công tác bán trú và tổ chức bán trú đồng thời giữ vững kết quả phổ cập giáo dục các cấp, củng cố hoạt động Trung tâm học cộng đồng ở 30 xã, thị trấn; Xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục đối với cấp THCS giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025.
Xác định việc ổn định đội ngũ là tiền đề quan trọng giúp cho giáo dục miền núi có điều kiện thuận lợi trong việc nâng cao chất lượng và khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở bậc mầm non, tiểu học, Phòng GD&ĐT đã tham mưu với UBND huyện thực hiện việc sắp xếp, luân chuyển, điều động cán bộ quản lý phù hợp đối với một số trường mầm non và THCS, riêng đối với ngành học mầm non, huyện cũng sẽ có kế hoạch xét tuyển một số chỉ tiêu hợp đồng lao động giáo viên mầm non còn thiếu trong năm học mới, đảm bảo không để trường quá thừa hoặc quá thiếu giữa các bộ môn, giữa các trường, góp phần ổn định tổ chức và tạo đà cho sự đổi mới, phát triển những năm học tiếp theo./.
Minh Anh