BGTV- Mặc dù còn cách năm học mới khá xa nhưng hiện nay nhiều phụ huynh có con sắp bước vào lớp 1 đã bắt đầu “chạy đua” cho con học chữ với suy nghĩ “biết sớm vẫn hơn”. Mặc dù hệ lụy từ việc cho trẻ học trước đã được ngành giáo dục nêu ra nhưng nhiều phụ huynh với tâm lý “lo xa” vẫn quyết định cho trẻ học sớm.
cha mẹ nên tôn trọng và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của trẻ để chọn lựa được hình thức sinh hoạt hè phù hợp
Lo nhiều, kì vọng lắm
Đa số phụ huynh có con vào lớp 1 đều có tâm lý lo lắng trước chương trình học có thể khiến con em mình không theo kịp, ngoài ra nhiều bậc cha mẹ có tâm lý cho con học trước sẽ phát triển nhanh, tốt hơn so với trẻ không học. Chính tâm lý “chạy đua” này đã khiến nhiều trẻ chưa chuẩn bị tốt về tâm lý đã phải chịu áp lực từ bài vở khá sớm.
Chị Trần Kim Anh (Phường Ngô Quyền – TP Bắc Giang) cho biết: “Dù không muốn con học sớm nhưng tôi lo chương trình học sau này các con có thể không theo kịp, đây cũng là tình trạng chung, nhiều phụ huynh cũng cho con học từ khá sớm, dù sao biết trước vẫn tốt hơn, trước tôi có cháu lớn hiện nay học lớp 2, vì không học trước nên bị chậm hơn các bạn, rút kinh nghiệm nên từ con thứ tôi cho cháu học trước để con không bỡ ngỡ khi vào năm học mới”.
Bên cạnh nỗi lo chạy theo chương trình học, tâm lý nhiều phụ huynh luôn muốn con học giỏi, thế nên nhiều người đã tự cho con em mình học trước, hoặc đến các lớp học “tại gia” để biết trước kiến thức. Cô N.T.T (Phường Ngô Quyền – TP Bắc Giang) là giáo viên về hưu chia sẻ vào mỗi dịp hè, nhiều phụ huynh đến tìm cô với mong muốn cô dạy thêm để trẻ học thông, viết thạo trước chương trình lớp 1 bởi nhiều người cho rằng nếu không chuẩn bị từ trước, khi bước vào năm học trẻ sẽ bị động, không theo kịp các bạn sẽ rất thiệt thòi.
Chuẩn bị tâm lý quan trọng hơn nhiều
Thực tế tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh hiện nay, nhiều trẻ bắt đầu đi học đã biết hết mặt chữ, nhiều trẻ còn có thể viết, tính toán... tuy nhiên kỹ năng, tư thế ngồi học, cách cầm bút... lại sai quy cách, việc uốn nắn trẻ lại từ đầu thường mất nhiều thời gian hơn.
Theo phòng Giáo dục Tiểu học - Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang, việc chuẩn bị tâm lý thoải mái, háo hức đi học, làm quen với môi trường mới quan trọng hơn việc tập trung học trước kiến thức khi trẻ vào lớp 1, đây là việc làm không cần thiết do việc học trước có thể khiến trẻ chủ quan, lơ là trong việc học vì nghĩ đã biết rồi nên không cần học, điều này sẽ tạo tâm lý chủ quan trong tiếp nhận kiến thức, ảnh hưởng không tốt cho sự phát triển của trẻ. Bên cạnh đó, phụ huynh tạo áp lực bài vở, học hành cho con em mình từ quá sớm có thể “phản tác dụng”, khiến trẻ từ chỗ tò mò, háo hức với kiến thức rất dễ “sợ” học, từ đó không hứng thú đến trường.
Ngoài ra, trẻ từ độ tuổi mầm non lên tiểu học vẫn chưa thật sự cứng cáp, cho trẻ học quá sớm, cầm bút, ngồi học sai tư thế có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất của trẻ. Tiếp nhận kiến thức là quá trình lâu dài, và các bậc phụ huynh không nên vì chủ tính của bản thân mà cho con em mình học trước. Cũng theo nhiều chuyên gia tâm lý và giáo dục, những trẻ dưới 6 tuổi có khả năng sáng tạo cao hơn, khả năng tưởng tượng tốt hơn so với trẻ bị “ép” học quá sớm, do đó cha mẹ thay vì “so sánh” con mình với bạn bè cùng trang lứa, hãy khuyến khích để con được tư duy và phát triển đúng với khả năng của bản thân.
Bộ GD&ĐT đưa ra quy định không học trước chương trình lớp 1 cho trẻ với mục đích không tạo áp lực để các em tự do phát triển, song từ tâm lý lo lắng và mong muốn “đốt cháy giai đoạn” của nhiều phụ huynh đã để con em mình bước vào cuộc chạy đua kiến thức từ khá sớm. Thực trạng này cần được khắc phục, tạo điều kiện và tâm lý thoải mái cho trẻ trong học tập và phát triển toàn diện.
Minh Anh