BGTV- Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong năm qua có nhiều biến động, ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình chăn nuôi của các nông hộ. Nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, thúc đẩy và ổn định thị trường, nhiều giải pháp đồng bộ được tỉnh áp dụng nhằm phát triển ngành chăn nuôi trong những năm tiếp theo.
Bắc Giang có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi, nhất là các huyện miền núi, vùng cao như Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Yên Dũng, Hiệp Hòa. Tuy nhiên, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, năm qua là một năm rất khó khăn với ngành chăn nuôi, không chỉ trong tỉnh mà tại nhiều địa phương trên cả nước. Với đặc thù tỉnh ta, việc chăn nuôi theo hướng chuyên nghiệp, chuyên môn hóa còn hạn chế, chăn nuôi nông hộ phổ biến mà nhược điểm lớn nhất là bà con hay chạy theo phong trào, khi thì bỏ chuồng hàng loạt, lúc lại ồ ạt tái đàn, dẫn đến cung vượt quá cầu và bị ép giá; dẫn tới đầu ra của sản phẩm không ổn định, nhất là với sản phẩm lợn thịt. Sự liên kết chăn nuôi nông hộ hầu như chưa được triển khai, do vậy việc ổn định tiêu thụ, bao tiêu cho sản phẩm còn hạn chế, khiến người chăn nuôi thường xuyên bị thua lỗ và giảm thu nhập do phí tổn vào các khâu trung gian. Công tác chăm sóc đàn vật nuôi, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại cũng chưa được các hộ chăn nuôi quan tâm nhiều, dễ xảy ra nguy cơ lây lan và phát sinh bệnh tật.
Bắc Giang thực hiện nhiều giải pháp về giống, chăm sóc nhằm giúp ổn định đàn vật nuôi
Từ thực tế đó, nhằm nâng chất lượng đàn vật nuôi, hỗ trợ bà con, UBND tỉnh phê duyệt Dự án “Hỗ trợ chăn nuôi nông hộ từ năm 2016 đến 2020”. Cụ thể, Trung tâm Khuyến nông chủ trì thực hiện, mỗi năm cấp 3-4 con trâu giống cho các địa phương có lợi thế. Từ cuối năm 2016 đến nay, hơn 1,4 nghìn con trâu được phối giống, mục tiêu sau khi kết thúc dự án, tổng đàn trâu của tỉnh tăng gấp đôi so với hiện có. Trước mắt, dự án ưu tiên cho các huyện miền núi có diện tích chăn thả lớn. Theo định hướng của tỉnh, những địa phương này cần lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ người dân, mở rộng quy mô đàn trâu Murrah. Một số huyện không thuộc dự án cũng chủ động bố trí nguồn ngân sách sự nghiệp giúp nông dân cải tạo đàn vật nuôi.
Với các loại gia súc lớn như trâu, bò, lợn… các biện pháp hỗ trợ về giống, phương pháp chăm sóc được các địa phương tích cực đẩy mạnh. Tại Hiệp Hòa, ngoài các hộ dân được nhận trâu từ dự án hỗ trợ, hằng năm địa phương bố trí một phần kinh phí hỗ trợ cho người dân thông qua mô hình khuyến nông. Đến nay, đàn trâu của huyện có hơn 4 nghìn con, dự kiến đến năm 2020 đạt 10 nghìn con. Hay như Xã Đức Giang (Yên Dũng), quy mô chăn nuôi tại các hộ không lớn, phân tán trong khu dân cư, nguy cơ dịch bệnh cao. Do đó chính quyền xã luôn quan tâm công tác tiêm phòng, UBND xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn, ban quản lý các thôn thường xuyên tuyên truyền công tác tiêm phòng đến bà con. Từ đầu năm đến nay, xã đã tổ chức tiêm vắc-xin dịch tả cho hơn 1 nghìn con lợn; tiêm 1,2 nghìn liều vắc-xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng cho đàn trâu, bò; 8 nghìn liều vắc-xin cúm cho đàn gia cầm, thủy cầm và 700 liều vắc-xin phòng dại, hoàn thành 100% kế hoạch.
Gia đình ông Nguyễn Văn Sáo, xã Đức Giang (Yên Dũng) duy trì mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp với gần 500 con lợn thịt, 6 nghìn con vịt, 2 nghìn con cá giống. Để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, gia đình ông thường xuyên tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin nên nhiều năm qua không xảy ra dịch bệnh. Bên cạnh đó, gia đình ông cũng phổ biến, vận động các hộ khác ở địa phương tiêm đầy đủ vắc-xin cho gia súc, gia cầm. Cùng với Đức Giang, người dân 20 xã, thị trấn khác trên địa bàn huyện Yên Dũng cũng luôn quan tâm công tác phòng ngừa dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đặc biệt tại các xã có đàn vật nuôi lớn như: Lão Hộ, Đồng Việt, Đồng Phúc... công tác tuyên truyền, hỗ trợ từ phía chính quyền thường xuyên được đẩy mạnh.
Là địa phương trọng điểm, Yên Thế đang đẩy mạnh nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng gà đồi
Đối với gia cầm, địa phương trọng điểm là Yên Thế đã phối hợp cùng Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương, Trung tâm Vạn Phúc triển khai nuôi thử nghiệm một số giống gà mới như giống gà mái LV, gà giống VP34, VP35... với chất lượng cao, tỷ lệ nuôi sống đạt 92 - 95%; nhờ đó, cùng với việc chuẩn hóa quy trình chăn nuôi, quy trình sản xuất con giống, xây dựng chuỗi liên kết khép kín trong sản xuất và tiêu thụ, chất lượng đàn gà đồi Yên Thế được cải thiện rõ rệt và ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ, hiện địa phương đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nhất là thời điểm cuối năm khi nhu cầu tăng mạnh, các sản phẩm từ gà đồi Yên Thế ngày càng chinh phục được lòng tin và lựa chọn từ phía người tiêu dùng.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, trước tình hình giá cả xuất bán, thời tiết có nhiều bất lợi, dự đoán tốc độ tái đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh sẽ chậm hơn. Thời điểm tái đán, người chăn nuôi cần cẩn trọng khi lựa chọn giống vật nuôi, chỉ nhập con giống của những cơ sở có uy tín, có các chứng nhận về an toàn dịch bệnh, nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời chú ý vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêu độc, khử trùng trước khi thả đàn mới, thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh trên vật nuôi, kịp thời phát hiện bệnh để có biện pháp xử lý.
Minh Anh