BGTV- Tiểu thủ công nghiệp (TTCN) vốn được xem là thế mạnh tại khu vực nông thôn, nơi có truyền thống với các làng nghề lâu đời cùng lực lượng lao động có tay nghề, kinh nghiệm. Những năm qua, hoạt động khuyến công được tỉnh Bắc Giang triển khai đồng bộ, góp phần rất lớn trong việc khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất TTCN, xây dựng nông thôn mới.
Bắc Giang có 435 làng có nghề, trong đó có 14 làng nghề truyền thống, trên 14 nghìn cơ sở sản xuất TTCN với các ngành nghề như chế biến nông, lâm sản; sản xuất cơ khí; vật liệu xây dựng; thủ công mỹ nghệ... thu hút đáng kể lực lượng lao động trong và ngoài tỉnh.
Tại Hợp tác xã Mộc Bãi Ổi, xã Dĩnh Trì, thành phố Bắc Giang, thời điểm cuối năm là “mùa làm ăn” của các hộ tại đây. Được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Mộc Bãi Ổi” – có hiệu lực bảo hộ tổng thể trong 10 năm đối với nhóm sản phẩm làm từ gỗ, bao gồm: Bàn, ghế, giường, tủ, giá, kệ, cửa, cầu thang…
TTCN trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông thôn
Ông Nguyễn Văn Minh - một chủ xưởng lâu năm tự hào chia sẻ nghề mộc Bãi Ỗi đã có truyền thống từ hàng chục năm trước, trải qua nhiều năm phát triển, tay nghề của người làm mộc Bãi Ổi ngày càng được nâng cao, việc đưa máy móc, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất giúp chất lượng sản phẩm tăng lên, uy tín và giá trị các sản phẩm mộc tại Bãi Ổi cũng được nâng lên đáng kể. Tại các hội chợ triển lãm đồ gỗ trong nước những năm qua, các sản phẩm của Bãi Ổi cũng luôn được đánh giá rất cao.
Sự phát triển vượt bậc của làng nghề mộc Bãi Ổi đã tạo nên bước chuyến biến mạnh mẽ đáng tự hào. Các sản phẩm đồ gỗ Bãi Ổi không chỉ gây dựng thị trường rộng lớn, được ưa chuộng tại nhiều vùng miền trên cả nước, mà còn mở rộng thị trường sang các nước như: Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan… Ông Hà Quang Hiến Giám đốc HTX mộc Bãi Ổi cho biết: “Là một nghề chủ lực tại địa phương, góp phần tạo việc làm cho hơn 100 hộ dân với đông đảo lao động trên địa bàn và nhiều tình lân cận, với mức lương bình quân từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng đã giúp nhiều hộ ổn định cuộc sống, giảm nghèo”.
Phát triển TTCN giúp tạo việc làm, nâng cao đời sống người lao động
Với mục tiêu tập trung phát triển TTCN và các ngành nghề có lợi thế để đáp ứng nhu cầu phát triển giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh Bắc Giang đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động khuyến công gắn với khuyến khích phát triển các cụm sản xuất TTCN khu vực nông thôn. Trong năm 2017, hoạt động khuyến công tại Bắc Giang tập trung áp dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Những chương trình, đề án tiêu biểu đã góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế nông thôn phải kể đến như hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp...
Phát triển TTCN, làng nghề nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh là hướng đi tích cực để đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn và góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Các ngành nghề TTCN tại Bắc Giang đang trên đà phát triển song vẫn còn những tồn tại cần khắc phục như việc sản xuất tại nhiều nơi còn manh mún, công nghệ sản xuất chưa đồng bộ, mặt bằng sản xuất nhỏ hẹp, chưa có nhiều khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập trung, trong khi đó, công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế gây ảnh hưởng đến khu dân cư… Hiện trong số hơn 400 làng nghề mới có 39 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, do vậy để khắc phục những khó khăn đó, thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn trợ giúp thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã, hội, hiệp hội ngành nghề; phối hợp tổ chức liên doanh, liên kết, hợp tác sản xuất, quy hoạch làng nghề gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển hiệu quả, bền vững nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển các ngành nghề TTCN của địa phương.
Minh Anh