BGTV- Nỗ lực chăm sóc, bảo vệ trẻ em (CSBVTE) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang những năm qua ghi nhận được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, không chỉ trong tỉnh mà trên địa bàn cả nước, tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại tình dục đối với trẻ em ngày một diễn biến phức tạp, đòi hỏi cộng đồng và các tổ chức xã hội cần nỗ lực hơn nữa để có những biện pháp thiết thực, hiệu quả trong công tác bảo vệ trẻ em.
Bảo vệ trẻ em - trách nhiệm của toàn xã hội
Trẻ em có vai trò quan trọng đối với gia đình và xã hội, sự phát triển của trẻ em có ý nghĩa quan trọng với tương lai của đất nước. Trong thời gian qua, trên cả nước nói chung và Bắc Giang nói riêng đã rất quan tâm đến công tác trẻ em. Tuy nhiên, cùng với tốc độ phát triển KT-XH mạnh mẽ, những “góc tối” trong xã hội dần bộc lộ, không ít vụ việc trẻ em bị xâm hại, bị bạo hành với mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Xã hội hoá công tác thực hiện quyền trẻ em trong giai đoạn hiện này là rất cần thiết với sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, của toàn xã hội nhằm thực hiện quyền của trẻ em; mở rộng sự tham gia của các chủ thể xã hội với nhiều phương thức để vừa phát huy tiềm năng trí tuệ, vật chất của các tổ chức, cá nhân để nâng cao chất lượng dịch vụ cho trẻ em, vừa tạo điều kiện mở rộng đối tượng thụ hưởng dịch vụ, đặc biệt là trẻ em nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Tại Bắc Giang, công tác đưa Luật Trẻ em, các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật và các Chương trình, đề án, kế hoạch về trẻ em đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn Thanh niên; UBND các huyện, thành phố thực hiện tích cực, hiệu quả. Trong tháng hành động vì trẻ em năm 2018 với các hoạt động như diễn đàn trẻ em các cấp với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số” và năm an toàn giao thông 2018 với chủ đề “An toàn giao thông cho trẻ em”. Dịp hè 2018, công tác bàn giao, quản lý trẻ em tại các địa phương cũng được quan tâm sát sao, đảm bảo an toàn, giảm thiểu trẻ em bị tai nạn thương tích, đặc biệt tai nạn đuối nước và hạn chế tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
Theo Hội Bảo về quyền trẻ em Bắc Giang, để tăng cường phối hợp, tạo điều kiện phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ khỏi bị bạo hành, xâm hại tình dục, cần tới trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị và toàn thể xã hội quan tâm tới vấn đề này. Trong đó việc phổ biến kiến thức về luật, quyền trẻ em, kỹ năng chăm sóc, bảo vệ, giáo dục tâm sinh lý cho trẻ em thông qua các khóa tập huấn, hội nghị, hội thảo... đặc biệt là tại khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa cần thực hiện thường xuyên. Cần triển khai phong trào "Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em" gắn với cuộc vận động "Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" đến địa bàn dân cư. Phát hiện, ngăn chặn các hành vi bạo lực, bóc lột, xâm hại trẻ em, vi phạm pháp luật, vi phạm quyền trẻ em.
Cần tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội; giữa các ban, ngành, đoàn thể trong hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em
Ưu tiên phòng ngừa, giải quyết tình trạng trẻ em bị bạo lực, bóc lột, xâm hại, đặc biệt bị xâm hại tình dục, tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước, do tai nạn giao thông và các vấn đề nóng về trẻ em tại địa phương... Ưu tiên bố trí cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã và vận động nguồn lực để phát triển mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em tại thôn, bản, tổ dân phố theo quy định của Luật Trẻ em. Đồng thời nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực trong việc thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại, thực hiện chính sách cho trẻ em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và thu thập thấp, cập nhật thông tin về trẻ em ở cấp huyện, xã và cộng đồng dân cư.
Trẻ em là đối tượng yếu thế trong xã hội, cần được che chở và yêu thương, song dù ở thành thị hay nông thôn, các em đều có thể bị xâm hại, không phân biệt độ tuổi, giới tính, thậm chí gặp nguy hiểm ngay trong tại môi trường sống quen thuộc hàng ngày. Do đó, CSBVTE không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của riêng một tổ chức, đơn vị nào mà cần tới sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chung tay các tổ chức xã hội để bảo vệ đối tượng dễ tổn thương này, tạo một môi trường sống lành mạnh, an toàn để trẻ em phát triển toàn diện./.
Minh Anh