BGTV- Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước và tỉnh ta đang quyết liệt để đấu tranh với nạn “tín dụng đen” (TDĐ). Tội phạm về lĩnh vực này tuy đã bị kiềm chế phần nào, nhưng tình hình vẫn rất phức tạp khi chúng bắt đầu chuyển hướng len lỏi về các miền quê, các khu công nghiệp (KCN).
Từ thực tế, có hai nhóm đối tượng “chính” thường tìm đến TDĐ là nhóm người vay sử dụng với mục đích bất hợp pháp như cờ bạc, lô đề, cá độ… Nhóm thứ hai là người dân có nhu cầu cấp bách nhưng chưa hoặc gặp khó khăn khi tiếp cận được vốn ngân hàng do đó họ chấp nhận vay từ nguồn vốn không chính thống tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tại một số KCN, không ít công nhân, người lao động “vướng” vào TDĐ bởi khi có nhu cầu vay tiền nhưng lại khó tiếp cận nguồn vốn tại các ngân hàng thương mại do mức thu nhập thấp, công việc không ổn định hoặc là lao động từ các địa phương khác di cư đến nên khó xác định yếu tố pháp lý. Lợi dụng việc NLĐ gặp khó khăn về tài chính, các tụ điểm cho vay nặng lãi “mọc” lên khá nhiều tại các KCN với không ít chiêu thức tinh vi, không ít người phải “ngậm trái đắng” khi vay tiền từ các tụ điểm cho vay “cắt cổ” này.
Anh Trần Văn P (Đồng Hưu, Yên Thế) cùng vợ làm việc tại KCN Vân Trung cho biết: “Cả 2 vợ chồng đều làm công nhân nên đồng lương cũng eo hẹp, đầu năm vì gia đình có việc gấp nên tôi đành vay 20 triệu của một nhóm TDĐ, lúc đấy mình cũng chỉ nghĩ đơn giản là mỗi tháng vợ chồng sẽ tích cóp một khoản khoảng 1,2 triệu để trả nợ nhưng do lãi suất cao mà điều kiện kinh tế khó khăn nên đến giờ vợ chồng tôi vẫn chưa trả hết số tiền đã vay”.
Chị T – vợ a P cho biết thêm: “Hằng tháng, đến ngày phải trả tiền tôi rất lo lắng bởi nếu chậm trả, chủ nợ sẽ gọi điện, nhắn tin đe dọa, đồng thời còn bị cộng thêm tiền lãi vào số nợ cũ nên số tiền cứ ngày một chồng chất”.
Tương tự như gia đình anh P, anh Cao Văn H (xã Đồng Sơn, TP Bắc Giang) làm công nhân tại KCN Quang Châu cũng “vấp” phải TDĐ cho biết: “Giấy tờ ghi tay chỉ ghi số tiền vay và hạn trả, đầu tháng 6 tôi có vay số tiền là 5 triệu nhưng mỗi ngày phải trả 250.000 đồng (cả gốc và lãi), sau gần 1 tháng đã phải trả lên đến hơn 6 triệu...”
Một trong những nguyên nhân mà NLĐ tìm đến tín dụng đen là “thủ tục” vay rất đơn giản, chỉ cần có chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu photo hoặc hóa đơn thu tiền điện, thu tiền nước là vay được tiền. Sau khi vay, hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng các đối tượng cho vay tổ chức đi thu nợ từ những người vay tiền tùy theo thỏa thuận. Mức lãi suất vay tín dụng đen thường dao động từ 15% đến 30%/ tháng.
Công nhân, người lao động cần được quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống, đồng thời cần tự nâng cao nhận thức để tránh xa tín dụng đen
Hầu hết các “hợp đồng” vay nợ được lập dưới hình thức mua bán trả góp, không ghi số tiền gốc và lãi suất, chỉ ghi tổng số tiền phải trả và số ngày phải trả. Và nếu chậm trễ trong việc trả tiền, hình thức “siết nợ” từ các đối tượng TDĐ này thường là đe dọa, chửi bới, thậm chí đánh đập, gây ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh trật tự.
Lý do chủ yếu khiến nhiều người “ngại” vay từ ngân hàng là vì điều kiện cho vay chặt chẽ, yêu cầu nhiều giấy tờ chứng minh, thủ tục thẩm định lâu và thường yêu cầu có tài sản thế chấp. Trong khi đó, TDĐ lại quá dễ tiếp cận khi các tờ rơi quảng cáo cho vay tiền không cần chứng minh thu nhập được quảng cáo khắp các ngõ ngách, thôn xóm. Bên cạnh đó, tại các khu CN, khu chế xuất là nơi người dân, NLĐ có mức độ hiểu biết và tư duy tài chính rất khác nhau khiến họ vẫn dựa vào TDĐ để giải quyết các vấn đề cá nhân.
Có thể thấy, khi NLĐ vay tiền của các tụ điểm TDĐ sẽ rơi vào vòng xoáy nợ nần, thậm chí ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống. Để giúp NLĐ tránh xa tín dụng đen, tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền để NLĐ nhận thức rõ “nguy hại” từ TDĐ, đồng thời có hình thức hỗ trợ công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Theo Ban Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang, thời gian qua tổ chức công đoàn các công ty thường xuyên tổ chức thăm hỏi và khuyến cáo NLĐ nếu gặp khó khăn về tài chính thì nên báo cáo lãnh đạo công ty hoặc tổ chức công đoàn, để được kịp thời hỗ trợ, không nên vay tiền từ các nhóm TDĐ, tránh hệ lụy tiêu cực có thể xảy ra.
Để ngăn chặn nạn tín dụng đen, đặc biệt có thể hỗ trợ những người thu nhập thấp, các tổ chức tín dụng cần đa dạng hóa những loại hình tín dụng phục vụ đời sống, tiêu dùng cho người dân với thủ tục đơn giản, thuận tiện; các cấp chính quyền cần phối hợp với các tổ chức tín dụng hỗ trợ người dân tiếp cận các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng… Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty được cấp phép hoạt động dịch vụ tài chính để chấn chỉnh kịp thời những hành vi chưa đúng quy định của pháp luật; chính quyền địa phương và lực lượng chức năng cần tăng cường quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện, triệt phá các tụ điểm TDĐ nhằm ổn định đời sống, góp phần minh bạch thị trường tài chính./.
Minh Anh