BGTV- Nhu cầu sử dụng bình gas của các gia đình hiện nay là rất lớn, khiến số lượng các cửa hàng, đại lý gas mọc lên như nấm. Tuy nhiên người tiêu dùng cũng cần thận trọng khi sử dụng, đổi bình mới, tránh mất tiền oan do các mánh khóe “móc túi” từ những đại lý làm ăn thiếu uy tín.
Ngụy tạo nguy cơ rò rỉ gas
Chị Vũ Thị Thúy (Phường Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang) vẫn chưa hết bức xúc khi bị một đại lý thay van gas khi vẫn sử dụng tốt. Chị cho biết: “Chuyển sang nhà mới nên mình chưa kịp đổi bình gas, hôm trước đi làm chỉ có bà ngoại ở nhà, bà không biết nên gọi theo một số điện thoại một đại lý dán sẵn trong bếp, nhưng khi về mình mới phát hiện ra là họ đã đổi hết van gas và dây gas với lý do bị rò rỉ rất nguy hiểm, bà thì tuổi cao nên cẩn thận, nghe thấy nói thế là đồng ý đổi luôn trong khi mình vừa thay trước đó không lâu, mà giá đổi cũng không hề rẻ, thật sự không thể chấp nhận được kiểu làm ăn thiếu uy tín như vậy”.
Nhiều người tiêu dùng phải chấp nhận thay dây van gas với mức giá "ngất ngưởng"
Chiêu trò ngụy tạo trường hợp dây gas, van gas rò rỉ dễ gây chất nổ rất phổ biến hiện nay của nhiều nhân viên giao gas. Nắm bắt tâm lý kém hiểu biết về thiết bị sử dụng của người tiêu dùng, nhất là phụ nữ và người già nên các nhân viên này còn vặn hở gas hoặc bẻ van gas, cứa dây để tạo vết nứt. Sau đó, họ báo với chủ nhà rằng thiết bị gas bị hỏng và buộc chủ nhà phải thay với giá cao hơn hẳn so với thị trường.
Theo khảo sát trên thị trường, van an toàn của hãng GOLDSUN với giá bán thực tế chỉ khoảng 100.000 đồng/chiếc, song nhân viên và cửa hàng gas có thể bán đủ các mức giá từ 200.000 - 400.000 đồng/chiếc, dây dẫn gas giá thực tế từ 20.000 - 50.000 đồng/chiếc (chiều dài 1m) thì họ có thể “đội giá” lên đến 100.000 – 150.000 đồng/chiếc.
Người tiêu dùng cần tỉnh táo
Theo một số người “lâu năm” trong nghề “bật mí”, nhân viên thay thiết bị gas có thể được hưởng 30% hoa hồng khi trừ đi chi phí mà chủ hộ mua thiết bị gas ban đầu. Ví dụ như, van gas chủ cửa hàng nhập với giá 50.000đồng/chiếc. Nếu nhân viên thay là 350.000đồng/chiếc, thì nhân viên sẽ được khoảng 100.000 đồng/chiếc, còn chủ hàng sẽ thu về 250.000 đồng. Chính bởi vậy nên nhiều nhân viên của các đại lý thiếu uy tín vẫn tìm cách “ăn tiền” của người tiêu dùng một cách dễ dàng.
Hiện nay các cửa hàng gas từ khi mọc ra như nấm nên việc “tranh” thị phần diễn ra khá gay gắt. Một số cửa hàng khi tuyển nhân viên mới không có đào tạo bài bản về những kiến thức sử dụng gas và giải quyết sự cố về gas cho nhân viên, việc chạy theo lợi nhuận dựa trên sự thiếu hiểu biết của người dùng từ những nhà cung cấp không có trách nhiệm đã tiềm ẩn nguy cơ gây rò rỉ, cháy nổ từ bình gas gia đình. Bên cạnh đó, tình gas giả, kém chất lượng vẫn còn tồn tại đã làm mất lòng tin của người tiêu dùng, ảnh hưởng tới uy tín các hãng gas và những người kinh doanh chân chính.
Nhằm quản lý tốt thị trường gas, từ năm 2012, tỉnh Bắc Giang đã ban hành quy hoạch mạng lưới kinh doanh gas đến năm 2020, nêu chi tiết số lượng các tổng đại lý và cửa hàng gas tại từng huyện và thành phố, số lượng lao động và diện tích kinh doanh... để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng. Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và các hãng gas, các doanh nghiệp kinh doanh cần tự bảo vệ thương hiệu của mình bằng cách cải tiến mẫu mã, bao bì, dán tem chống hàng giả, cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng uy tín… Đặc biệt, cần tích cực phối hợp với ngành chức năng và Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tỉnh để phổ biến kiến thức an toàn cũng như cung cấp các đặc điểm nhận biết sản phẩm chính hãng, giúp ngành chức năng có thêm cơ sở ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và cảnh báo rộng rãi tới đông đảo người tiêu dùng. Đồng thời, người dân nên chọn mua gas tại các đại lý uy tín trên địa bàn tỉnh, không sử dụng các loại gas không rõ nhãn mác, thường xuyên kiểm tra và tuân thủ nguyên tắc an toàn khi sử dụng, tránh mắc bẫy “chiêu trò" từ những đơn vị kinh doanh thiếu trách nhiệm./.
Lê An