Tộc người Chứt chủ yếu kiếm ăn bằng săn bắt và hái lượm, sống trong hang, rừng sâu, quan hệ cận huyết thống và có nguy cơ tuyệt chủng...
Đằng sau những cuộc hôn nhân “tình anh em” đã đẩy người Chứt vào con đường toàn bóng tối. Tưởng chừng thứ tình yêu thương đó chỉ quanh đi quẩn lại từ ngõ nhà này đến gác bếp nhà bên, nhưng giờ đây, nhờ sự tuyên truyền của chính quyền và Bộ đội Biên phòng, Bản Giàng đã có nhiều cuộc hôn nhân vượt đỉnh Giăng Màn, tạo nên tia hy vọng giải thoát cho đồng bào Chứt.
Sau những cuộc tình “anh em”
Bản Rào Tre thay da đổi thịt bằng những ngôi nhà cao, rộng, sáng màu ngói mới đã xuất hiện ngày càng nhiều bên những ngôi nhà gỗ thấp nhỏ, cũ kĩ trước đây.
Tộc người Chứt chuyên sống du canh, du cư tại các địa bàn rẻo cao huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), trong điều kiện rất lạc hậu. Trước đây đồng bào dân tộc Chứt được người Pháp gọi là Xá lá vàng, một từ để chỉ sự lạc hậu, mông muội.
Tộc người này chủ yếu kiếm ăn bằng săn bắt và hái lượm, sống trong hang, rừng sâu, quan hệ cận huyết thống và có nguy cơ tuyệt chủng. Từ năm 1991, tộc người này được Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh phát hiện và đưa về định cư tại bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh).
Đến nay, sau 28 năm được được Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Tĩnh giải cứu và tập trung nguồn lực xây dựng, bản Rào Tre hiện nay đã hoàn toàn “thay da đổi thịt”. Từ một nhóm người, giờ đây cộng đồng người Chứt đã phát triển thành bản với 42 hộ dân với 149 nhân khẩu. Đời sống của họ ngày càng được nâng cao với cơ sở hạ tầng khang trang, trình độ dân trí và đời sống dân sinh không ngừng được cải thiện.
Sẽ là một cái kết “không gì vui hơn” nếu như bản Rào Tre không phải đối mặt với nỗi đau nghẹn lòng mang tên “hôn nhân cận huyết thống”. Cậu, chú lấy cháu; con cô, con chú, con bác, con dì làm vợ làm chồng của nhau... Chính kiểu “bắt cá ao nhà” đã mang lại những tấn bi kịch chất chứa nỗi đau xé lòng, khiến cho không ít dòng họ trong cộng đồng người Chứt ở đây ngày càng trở nên... “què quặt”. Nhưng giờ đây, nhờ sự tuyên truyền của chính quyền và Bộ đội Biên phòng Bản Giàng đã có nhiều cuộc hôn nhân ngoài bản diễn ra, tạo nên tia hy vọng giải thoát cho đồng bào Chứt.
Ngày 7/4/2015, đám cưới của Hồ Thanh Mai (dân tộc Chứt) với chàng trai Lê Xuân Công (người Kinh) được mọi người gọi là “sự kiện lịch sử” của bản Rào Tre. Sau hơn 25 năm định cư về chỗ ở mới, lần đầu tiên Chứt được đón nhận một chàng rể là người dân tộc Kinh. Hơn ai hết, chính họ đã hiểu và cảm nhận được phần nào niềm hạnh phúc, niềm vui khi có cuộc hôn nhân hợp tình, đúng theo đạo lý đã được diễn ra.
Đám cưới của vợ chồng anh Xuân, chị Mai được xem là đám cưới lịch sử của người dân tộc Chứt.
Thời gian 4 năm để Công và Mai đến được với nhau là cả một chặng đường dài đầy chông gai, thách thức. Công là con một trong gia đình, tuổi thơ gặp nhiều bất hạnh, cha mẹ ly hôn khi Công mới 2 tuổi. Hơn 20 năm qua, 2 mẹ con Công dựa vào nhau sống qua ngày. Năm 2009, Công lên đường nhập ngũ, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ra quân, Công lại về quê sống với mẹ.
Còn Mai là chị cả trong một gia đình có 4 chị em. Trong bản Mai là một trong số rất hiếm hoi thiếu nữ được học cao. Mai học đến lớp 11 tại Trường Nội trú ở TT Hương Khê, sau đó em về bản tiếp tục lao động và trở thành cô giáo "không lương" bày chữ cho các em nhỏ trong bản của mình.
Câu chuyện tình của họ bắt đầu từ năm 2011. Lúc bấy giờ tại bản Rào Tre, Đồn Biên phòng Bản Giàng cùng Tổ công tác cắm bản Rào Tre phối hợp với chính quyền xã Hương Liên tổ chức đêm giao lưu tình quân dân tại bản. Đêm ấy, Công và Mai đã gặp nhau. Ngay từ lần gặp đầu tiên, nhịp đập trái tim của 2 người đã như là một. Họ tìm hiểu, làm quen... và sau 1 năm thì trao lời yêu thương.
"Lúc gặp nhau lần đầu cả 2 đã nhìn nhau rất lâu nhưng không nói một lời nào cả. Lúc đó trong người có cảm giác rất lạ, không thể diễn tả được. Từ ngày đó, lúc nào em cũng nghĩ về Mai và quyết tìm được gia đình Mai để làm quen", Công vẫn chưa hết ngượng ngịu kể lần đầu gặp Mai.
Khi tình yêu vừa chớm nở thì họ lại phải xa nhau. Công phải vào miền Nam làm ăn, còn Mai tiếp tục ở lại bản. Khi đã vượt qua được khoảng cách về địa lý thì cả 2 lại phải đối mặt với sự phản đối của gia đình, họ hàng.
“Ban đầu mẹ biết đã cấm không cho tôi yêu Mai nữa. Vì nghĩ lấy con gái trong bản này sẽ khó khăn nhiều thứ, với lại tôi là con trai một trong nhà, mẹ cấm đoán cũng có lý của mẹ”, anh Công tâm sự.
Nhưng sau hơn hai tháng được sự thuyết phục, động viên của chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng cắm bản nên đã được sự chấp thuận từ gia đình. Nhờ sự cần cù siêng năng của một chàng lính, sau hai năm nên duyên vợ chồng, Công và Mai giờ đã dần ổn định cuộc sống. Niềm hạnh phúc trọn vẹn hơn khi nhìn đứa con đầu lòng là cháu Hồ Lê Trung Hiếu (SN 2015) lớn lên ngoan ngoãn và khỏe mạnh.
Em nối gót chị “xe rào” đi tìm bến đỗ
Thấy được niềm hạnh phúc của chị gái, Hồ Thị Thanh Xuân cũng phải lòng chàng trai người Kinh. Năm 2011, Thanh Xuân tốt nghiệp lớp Trung cấp Quản lý văn hóa miền núi, Khoa Nghệ thuật dân tộc miền núi, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Từ năm 2014, qua nhiều lần gặp gỡ, giao lưu công tác đoàn tại bản Rào Tre, Thanh Xuân và Quốc Ánh đã nảy sinh tình cảm với nhau nhưng vấp phải sự phản đối từ gia đình.
Thấy được niềm hạnh phúc của chị gái, Hồ Thị Thanh Xuân cũng phải lòng chàng trai người Kinh.
Nhớ về quãng thời gian đầy thử thách khi tình yêu vừa chớm nở, Thanh Xuân chia sẻ: “Khi biết anh Ánh có tình cảm với em, gia đình anh ấy phản đối lắm. Nhiều lúc em cũng muốn bỏ cuộc để anh ấy đi tìm người khác, nhưng bằng tình yêu, sự quan tâm của anh ấy dành cho em đã giúp em vượt qua mọi thử thách”.
Nhận thấy tình cảm chân thành của đôi trai gái, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Bản Giàng và chính quyền, Đoàn thể xã Hương Liên lại một lần nữa làm cầu nối thuyết phục gia đình, đứng ra tổ chức lễ cưới giúp hai em xây dựng tổ ấm.
Sau bao nhiêu sự nỗ lực, cuối cùng ngày 30/10/2015 hạnh phúc của cặp đôi Xuân và Anh cũng đến. Đồng bào dân tộc Chứt lại có thêm một chàng rể người kinh Võ Quốc Ánh (ở xóm 1, xã Hương Liên, huyện Hương Khê). Hồ Thị Thanh Xuân là một trong những người có trình độ học vấn cao nhất tại bản Rào Tre.
Nói về những mối nhân duyên vượt đỉnh Giăng Màn, Thiếu tá Nguyễn Văn Thiên - Tổ trưởng Tổ biên phòng Rào Tre cho biết: “Đến thời điểm này, đã có 4 người kết hôn với người Kinh, con số này mặc dù chưa cao nhưng đây là sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương. Đây là một tín hiệu đáng mừng để người Chứt sớm thoát khởi cảnh hôn nhân cận huyết thống./.
Theo CTV Dương Nga/VOV.VN