Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, hiện thách thức lớn là đào tạo và đào tạo lại để trang bị cho phụ nữ và trẻ em gái hiểu biết về công nghệ và kỹ năng số nhằm tận dụng hiệu quả công nghệ số.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)
Ngày 12/4, Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội thảo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) về thúc đẩy phát triển bao trùm thông qua tăng cường kiến thức và kỹ năng số cho phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh cách mạng công nghệ lần thứ tư.
Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, các đại biểu quốc tế thuộc APEC và đại diện các ban, ngành của tỉnh Quảng Ninh.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết APEC đã và đang đóng góp hiệu quả và nỗ lực thực hiện bình đẳng giới, coi đóng góp của phụ nữ là một giải pháp then chốt cho phát triển bền vững, bao trùm và duy trì vị thế năng động của khu vực.
Trong thế giới số hóa, với 90% công việc tương lai đòi hỏi hiểu biết về kỹ năng số, việc tiếp cận bình đẳng về công nghệ và cơ hội học tập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm phụ nữ và trẻ em gái được hưởng lợi từ cách mạng công nghệ lần thứ tư và cũng là giải pháp then chốt để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ vì phát triển bền vững.
Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, hiện thách thức lớn là đào tạo và đào tạo lại để trang bị cho phụ nữ và trẻ em gái hiểu biết về công nghệ và kỹ năng số nhằm tận dụng hiệu quả công nghệ số, nắm bắt những cơ hội phát triển của thế kỷ 21.
Đồng thời, cần tiếp tục tìm giải pháp cho vấn đề thu hẹp khoảng cách giới, trong đó có khoảng cách số, xóa bỏ định kiến giới, dỡ bỏ các rào cản chính sách về phân biệt đối xử giới… để phụ nữ và trẻ em gái có thể đóng góp bình đẳng và hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung hợp tác như cơ hội và thách thức việc làm đối với phụ nữ và trẻ em gái trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khoảng cách giới trong tiếp cận với thiết bị, công nghệ và dịch vụ số; các rào cản đối với phụ nữ và trẻ em gái trong giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học; triển vọng về công nghệ mới và mạng lưới xã hội nhằm trao quyền cho phụ nữ.
Ngoài ra, các đại biểu cũng làm rõ việc tăng cường nỗ lực của APEC trong cách tiếp cận toàn diện và hành động nhằm thúc đẩy sự tham gia bao trùm của phụ nữ và trẻ em gái trong lĩnh vực số; đưa các khuyến nghị chính sách nhằm tăng cường sự tham gia bao trùm về số của phụ nữ và trẻ em, trong đó tập trung vào việc đưa ra các hành động chính nhằm thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực số; vai trò tiên phong của APEC nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững thứ năm của Liên hợp quốc về bình đẳng giới; các lĩnh vực hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm giải quyết khoảng cách giới trong lĩnh vực số./.
Theo Văn Đức (TTXVN/Vietnam+)