Năm 1979, gia đình bà Lan bị bắt giam oan. Khi bị bắt, bà đang mang thai rồi sinh con trong tù. Lo lắng con lớn lên trong tù sẽ không có tương lai nên bà Lan quyết định nhờ cán bộ trại giam nuôi giúp. Mẹ con bà Lan xa cách nhau tới năm 2018 mới đoàn tụ trong nước mắt.
Con lớn theo mẹ vào tù, con nhỏ bị sinh non trong tù
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (sinh năm 1946) sinh ra và lớn lên tại huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Lớn lên bà yêu và cưới ông Hồ Long Chánh (người cùng làng). Mấy năm sau, bà Lan mang thai và sinh con gái đầu lòng, cuộc sống của gia đình nhỏ yên bình không được bao lâu thì xảy ra biến cố.
Năm 1979, tại một nhà máy xay lúa ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh xảy ra một vụ cướp. Ông Chánh bị bắt ngay sau đó. Từ lời khai của ông Chánh nên Công an huyện Trảng Bàng bắt luôn bà Lan. Cả 2 vợ chồng cùng bị bắt, không ai chăm sóc con nên bà Lan đành mang theo người con gái lớn 8 tuổi vào tù cùng mẹ.
Ông Chánh và bà Lan cùng bị bắt giam oan (ảnh: V.P).
Khi bị bắt, bà Lan đang mang thai 5 tháng. Cuộc sống tù đày, suốt ngày phải chịu những trận đòn của điều tra viên nên chỉ 2 tháng sau bà Lan đã sinh con trong tù khi thai kỳ vừa 7 tháng. Sau khi sinh con trong trại giam, bà Lan lo lắng con lớn lên trong tù cùng mẹ không có tương lai nên đã quyết định nhờ cán bộ trại giam nuôi con giúp bà.
Hơn 4 năm bị giam cầm nhưng cơ quan điều tra tỉnh Tây Ninh không chứng minh được hành vi phạm tội của gia đình bà Lan, ông Chánh nên quyết định trả tự do cho cả gia đình.
Những ngày ở tù, bà Lan luôn nghĩ rằng ông Chánh đã khai bà giấu vàng nên bà mới bị bắt. Bà trách chồng sao biết bà đang có thai mà lại nỡ khai khống vu oan cho vợ. Bà từng nghĩ nếu có ngày ra tù, bà sẽ không bao giờ cho ông Chánh nhìn mặt con. Vậy nên sau khi sinh con, bà Lan nói đứa bé ấy đã chết khi sinh, để “người chồng phụ bạc” không được quyền biết có đứa con đó trên đời.
Cũng chính lời khai của ông Chánh khiến cuộc hôn nhân của ông bà tan vỡ, đường ai nấy đi.
Gặp lại nhau sau 39 năm
Sau khi ra tù, bà Lan ra sức tìm kiếm người cán bộ đã nhận nuôi giúp con mình. Tuy nhiên, những ngày sống trong lao ngục khiến bà bị trầm cảm không nhớ nổi đã giao con cho ai, tiếp đó gia đình bà chuyển về sinh sống tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương nên cuộc tìm kiếm con rơi vào vô vọng.
“Khi được ra tù, tôi vui mừng lắm, cứ nghĩ sẽ bắt đầu xây dựng lại mọi thứ và bắt đầu tìm kiếm để xin lại người con tôi đã sinh trong tù, nhưng khi về địa phương thì phát hiện 90 mẫu đất và 1 căn nhà đã bị chiếm. Người người, nhà nhà ai cũng nói gia đình tôi ăn cướp và xa lánh; chịu không nổi nên đành bỏ xứ ra đi”, bà Lan nhớ lại.
Sau 39 năm xa cách, bà Lan cũng tìm được người con gái chào đời trong tù (ảnh: V.P).
Người con được cán bộ trại giam mang về nuôi đặt tên là Trần Thị Tuyết (theo họ bố nuôi). Trong một lần đưa chị Tuyết đi học bằng xe máy thì người cán bộ trại giam năm xưa bất ngờ bị tai nạn giao thông và không thể qua khỏi. Trước khi qua đời ông đã quyết định nói hết sự thật cho chị Tuyết biết.
Sau khi lo xong hậu sự cho ba, chị Tuyết tìm về xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng tìm cha mẹ đẻ nhưng không ai biết ông Chánh và bà Lan đã đi đâu. Không nản chí, chị Tuyết tiếp tục tìm kiếm với hy họng tìm lại được bố mẹ đẻ. Trời không phụ lòng người, trải qua nhiều ngày tìm kiếm thì đến năm 2018, chị Tuyết cũng tìm được mẹ đẻ của mình. Bà Lan và chị Tuyết nhận lại nhau sau 39 năm xa cách.
“Hôm đó, có một người phụ nữ tìm đến nhà và nói cô là con gái tôi năm xưa bị thất lạc. Tôi không tin nhưng sau khi nghe hết mọi chuyện thì tôi và Tuyết ôm chầm lấy nhau khóc như 2 đứa trẻ. Tôi khóc tới mức không thể cầm được nước mắt rồi chạy khắp làng xóm thông báo cho mọi người là tôi đã tìm được con gái.
Tôi cứ ngỡ là mình đã mất đi đứa con nhưng sau 39 năm tôi đã tìm lại được con. Tìm được con không bao lâu thì gia đình tôi lại được minh oan, đúng là không còn gì vui hơn. Sắp tới tôi sẽ thường xuyên qua thăm Tuyết để có cơ hội bù đắp cho con gái”, bà Lan tâm sự.
Về phần mình ông Chánh chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ, không nghĩ mình còn một người con gái. Năm xưa bà tức tôi khai khống cho bà nên bà nói với tôi là sau khi sinh thì con đã mất và tôi tin đó là sự thật.
Tôi không chịu được cảnh bị đánh đập nên tôi mới khai ra bà, nếu có chết thì cả nhà cùng chết chứ đâu dám khai ra người ngoài. Gần nửa thế kỷ qua tôi vẫn luôn tự trách bản thân, nếu năm xưa chịu được cực hình thì gia đình đã không phải ly tán như ngày hôm nay”.
Theo Xuân Duy/Dân trí