Nằm sâu trong con ngõ nhỏ trên đường Xã Đàn (Hà Nội), quán cơm Ong mật chỉ vỏn vẹn là 1 căn bếp nhỏ nhắn, không có những dụng cụ nấu nướng chuyên nghiệp hay nhiều món ăn màu sắc. Thế nhưng, đây lại là một căn bếp vô cùng đặc biệt, bởi nó là nơi bắt đầu công việc hằng ngày của những “chú ong” chăm chỉ chính là những đứa trẻ tự kỷ, chậm phát triển.
Thế giới đã công nhận chứng tự kỷ là một khuyết tật về sự phát triển, ảnh hưởng đến suốt cuộc đời. Nhưng ở Việt Nam, khái niệm tự kỷ còn tương đối mới. Chính vì vậy, hiểu biết của mọi người về hội chứng này không nhiều và những cơ sở hỗ trợ trẻ tự kỷ chưa thực sự phát triển.Là một người mẹ có người con “đặc biệt”, chị Nguyễn Thị Lệ Thủy trở thành giáo viên nuôi dạy trẻ tự kỷ. Hơn ai khác, chị luôn hiểu rõ tâm tư của những ông bố, bà mẹ như mình. Đi theo con từ nhỏ, rồi tới khi con ở tuổi trưởng thành, chị lại suy nghĩ xem làm sao giúp con hòa nhập với cộng đồng. Và đó chính là động lực để người mẹ ấy lập lên một bếp ăn nhỏ mang tên “Quán Ong mật”.
“Quán Ong mật” là một dự án phát triển, hướng nghiệp dành cho trẻ tự kỷ ở Việt Nam của Trung tâm trợ giúp gia đình và trẻ khuyết tật trí tuệ. Đội ngũ nhân viên của căn bếp nhỏ này chính là những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ, chậm phát triển.
Tại đây, các em được hướng dẫn để làm những công việc từ nhỏ nhất: nhặt rau, thái thịt, đóng gói đồ ăn và làm quen với các mệnh giá tiền.
Khi bắt đầu với công việc, ai cũng sẽ bỡ ngỡ. Nếu như với những đứa trẻ thông thường chỉ mất 3-5 ngày để quen việc thì với những đứa trẻ "đặc biệt" này phải tốn thêm công sức và nhiều thời gian.
Công việc hằng ngày của các em bắt đầu từ 8h30 tới 12h trưa. Có những bạn đã là nhân viên của quán 3-4 năm, đến nay đã có nhiều tiến bộ.
Chị Thùy Dương - một phụ huynh chia sẻ: “Rất nhiều người cho rằng mắc hội chứng dow, tự kỷ là những đứa trẻ chẳng biết gì, chẳng thể làm gì và rồi sau này, chúng sẽ là gánh nặng của xã hội. Nhưng không, đối với nhiều phụ huynh như chúng tôi, chúng cũng giống như những người bình thường. Không phải các con không biết gì, các con sẽ biết, chỉ là các con biết chậm hơn những đứa trẻ khác”
Ngoài những khi bận bịu với công việc bếp núc của mình, lúc rảnh, cô trò quán Ong mật lại cùng nhau học bài. Những bài giảng thực tế về cách nhận biết mệnh giá tiền, cách tính toán làm sao để trả lại tiền thừa cho đúng.
Khách hàng của Ong mật hầu hết là các ông bố, bà mẹ, giáo viên, nhân viên văn phòng… Họ là những người hiểu được sự cố gắng và luôn nỗ lực không ngừng của những đứa trẻ ấy.
Hạnh phúc của những người thành lập, các bậc cha mẹ của trẻ tự kỷ là được ngắm nhìn con mình cười mỗi ngày.
"Các con không thể “bước đi” một mình như một đứa trẻ bình thường nhưng chúng cũng có những ước mơ hoài bão như bao đứa trẻ khác và ước mơ của chúng là mỗi ngày được nấu ăn và mỉm cười với thành quả của chính mình” – Chị Thủy chia sẻ.
Theo Thạch Thảo/Lao động