Rất nhiều doanh nghiệp đang bị kẻ xấu mạo danh website, fanpage trên Facebook để lừa đảo người tiêu dùng.
Faanpage của một số đơn vị bị làm giả, tung chương trình đánh lừa người dùng - Ảnh chụp màn hình
Thời gian gần đây, nhiều người tiêu dùng bất ngờ nhận được các tin nhắn, cuộc gọi thông báo trúng thưởng, quà tặng "tri ân" từ một số hãng quen thuộc gồm điện thoại, đồng hồ, phiếu giảm giá... với tổng trị giá 3-5 triệu đồng.
Cách làm như thật khiến nhiều người sập bẫy.
Đủ trò giả mạo
Chị Ngân Trâm (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ thông báo được tặng một chiếc iPhone trong chương trình tri ân khách hàng thân thiết của Hãng Thế giới di động (TGDĐ). Chị chỉ cần làm thủ tục đơn giản theo hướng dẫn là có thể nhận được quà.
"Tôi đã nghe về trò lừa đảo, liên lạc thử thì được hướng dẫn chỉ cần nộp thuế 10% qua chuyển khoản ngân hàng là nhận được quà. Họ nói chiếc iPhone mà tôi sẽ được nhận có giá bán 5 triệu nên tôi phải nộp thuế 500.000 đồng".
Chị Trâm cẩn thận gọi đến tổng đài TGDĐ thì được xác nhận không hề có chương trình này, nhưng nhiều người thấy hợp lý nên đã mắc bẫy.
"Phong trào" rộ lên đến mức cách đây vài ngày, một fanpage giả mạo với tên "Phòng công tác xã hội Bệnh viện Nhi Đồng 1" đã xuất hiện nhằm mục đích xin tiền, kêu gọi sự đóng góp của các nhà hảo tâm.
Thậm chí fanpage mạo danh "Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam" cũng được lập ra (đã bị xóa) với nhiều tin bài thất thiệt nhằm định hướng dư luận có chủ đích. Nhiều ngân hàng cũng bị các đối tượng xấu lập các fanpage giả mạo hòng lừa đảo người dùng...
Với FPT Shop, đại diện hệ thống này cũng cho biết từ đầu tháng 12-2018 đến nay, có rất nhiều trường hợp khách hàng bỗng dưng tìm đến FPT Shop (quận 5, TP.HCM) yêu cầu được nhận hàng là iPhone do họ đã đặt hàng và chuyển khoản trước trên website có địa chỉ nhapkhau...
Theo đại diện FPT Shop, đã có đến hàng trăm khách hàng bị lừa đảo.
"Chủ sở hữu của website nhapkhau... có hành vi giả mạo địa điểm kinh doanh của FPT Shop. Chúng tôi đã làm đơn tố giác gửi đến cơ quan chức năng, đề nghị vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật" - đại diện FPT Shop thông tin.
Lưu ý những yếu tố để tránh bị lừa
Theo thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), tình trạng ngày càng phổ biến là người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi khi giao dịch với các tổ chức cá nhân qua mạng xã hội như Facebook, Zalo...
Họ chỉ liên lạc được với người bán qua điện thoại hoặc qua mạng xã hội. Khi trả tiền xong, người tiêu dùng không nhận được hàng hoặc nhận hàng hoàn toàn khác so với quảng cáo (ví dụ: mua điện thoại nhưng nhận được hộp đựng một viên gạch...). Người bán lập tức chặn điện thoại, Facebook của người mua...
Thậm chí khi lượng người tiêu dùng khiếu nại lớn hoặc cơ quan quản lý vào cuộc, người bán bỏ số điện thoại, tài khoản Facebook...
Theo Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, trang web uy tín, được cấp phép hoạt động sẽ có thông tin liên lạc rõ ràng (như địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế...).
Người dân cần cảnh giác với những trang web/tài khoản mạng xã hội quảng cáo sản phẩm, dịch vụ với giá rất thấp hoặc khuyến mãi lớn, cũng như yêu cầu người tiêu dùng phải cung cấp thông tin và chia sẻ chương trình.
Đặc biệt, nên cảnh giác với thông báo về việc trúng thưởng nhưng phải nộp thêm chút tiền thuế phí, trúng phiếu mua hàng dùng để mua sản phẩm của công ty.
Quảng cáo cả trên Facebook để lừa Hiện tìm kiếm trên mạng xã hội Facebook, người dùng không khó để gặp khá nhiều fanpage, trang cá nhân mạo danh hệ thống Điện Máy Xanh cũng như TGDĐ, FPT, các thương hiệu quen thuộc... Các trang này thường đăng những chương trình khuyến mãi giá sốc, bán hàng giảm giá... thậm chí chạy quảng cáo trên Facebook để thu hút người dùng. Nhiều trang còn dụ được người dùng để lại số điện thoại, thông tin cá nhân để... "tư vấn về chương trình khuyến mãi". Tuy nhiên, các thông tin này sau đó bị lợi dụng để phục vụ các chiêu trò lừa đảo. |
* Bà Nguyễn Thị Bích Phương (giám đốc điều hành AnyMind Group): Có công cụ kiểm tra Các trang mạng xã hội lớn ngày nay như Facebook, Instagram và Twitter cung cấp công cụ nhận diện tài khoản thật cho các KOL (Key opinion leaders - những người có sức ảnh hưởng) và doanh nghiệp qua các dấu tick xanh (Blue Vertification Badge). Bên cạnh đó, người dùng có thể báo cáo (report) các tài khoản/thông tin mạo danh cho các trang mạng xã hội và kiểm tra xem có những tài khoản tương tự trên các phương tiện truyền thông, trang mạng xã hội khác hay không. Một cách khác là xác định tài khoản mạo danh thông qua số lượng người theo dõi hoặc lượng tương tác với nội dung. Tuy nhiên, quan trọng nhất là người dùng phải tự mình kiểm định bằng cách luôn so sánh và kiểm tra nhiều kênh khác nhau... |
Theo Đức Thiện/Tuổi trẻ