Ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800.000 tấn; tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,13 triệu ha, chiếm 18,71 % tổng diện tích của cả nước.
Một quả bom đang được vận chuyển và hủy nổ. (Ảnh minh họa: TTXVN)
(Ảnh minh họa: TTXVN)
Để làm sạch hết bom mìn sau chiến tranh, Việt Nam cần kinh phí hàng chục tỷ USD với thời gian kéo dài hơn 100 năm, chưa kể hàng tỷ USD cần thiết cho việc tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo về tình hình ô nhiễm bom mìn và công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 2/4, tại Hà Nội.
Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn và chịu hậu quả của bom mìn còn sót lại nặng nề nhất trên thế giới. Ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800.000 tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,13 triệu ha, chiếm 18,71 % tổng diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều nhất tại các tỉnh miền Trung.
Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40.000 người bị chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Tất cả các loại bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại đều rất nguy hiểm và có thể phát nổ khi bị tác động trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt hoặc có thể tự nổ do những nguyên nhân về cơ, lý hay hoá học.
Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định việc khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách và là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Trong đó, tập trung cho công tác rà phá bom mìn, trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn tái hoà nhập cộng đồng, tập trung tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân.
Họp báo về tình hình ô nhiễm bom mìn và công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ông Nguyễn Bá Hoan, Chánh Văn phòng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định: “Việt Nam mong muốn trở thành quốc gia không còn tác động của bom mìn. Vấn đề đặt ra là làm sao để nâng cao năng lực và huy động nhiều nguồn lực để tăng tốc độ rà phá bom mìn để sau vài chục năm nữa có thể giải quyết cơ bản hậu quả sau chiến tranh. Đó là nhiệm vụ của Chính phủ, cũng như trăn trở của hơn 90 triệu người dân Việt Nam và sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.”
Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), Phó Chánh Văn phòng Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam cho biết trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn tại những vùng đất bị ô nhiễm, tập trung những địa bàn tỉnh, thành có diện tích ô nhiễm cao như: Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Hà Giang, Đồng bằng sông Cửu Long…
Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trong nước và quốc tế để tạo sự ủng hộ đóng góp vào công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam. Tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, vận động thu hút tài trợ ODA, tài trợ không hoàn lại, tài trợ nhân đạo thực hiện mục tiêu “Vì một Việt Nam không còn bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh”.
Theo các chuyên gia đánh giá, với thực trạng ô nhiễm bom mìn hiện tại, Việt Nam cần hàng trăm năm và hàng chục tỷ USD để làm sạch hoàn toàn bom mìn. Việc tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội ở vùng ô nhiễm bom mìn cũng sẽ tốn hàng tỷ USD.
Trong năm 2018, Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ 20 triệu USD để VNMAC (cùng Bộ Lao động, thương và xã hội cùng các đơn vị liên quan) tiến hành khảo sát, xây dựng một đề án để nâng cao năng lực, hỗ trợ kĩ thuật, tập trung rà phá bom mìn ở một số tỉnh trọng điểm ô nhiễm bom mìn. 50 nhân viên VNMAC được tài trợ, huấn luyện về công tác rà phá bom mìn đạt chuẩn quốc tế…
Hiện nay, song song với việc rà phá bom mìn, công tác trợ giúp xã hội thiết yếu cho nạn nhân bom mìn đang được triển khai. Các hoạt động chính gồm: Chỉnh hình, phục hồi chức năng; hỗ trợ sinh kế, vay vốn, học nghề, tìm kiếm việc làm; lao động, sản xuất, kinh doanh; thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội…./.
Ông Tô Đức, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nói về các chính sách hỗ trợ nạn nhân bom mìn.
Theo Hồng Kiều (Vietnam+)