Cần phải xây dựng chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp để giữ chân những bác sĩ giỏi. Thu nhập tăng, bác sĩ có cơ hội thăng tiến, họ sẽ gắn bó lâu dài.
Bác sĩ bỏ bệnh viện công, nhân lực y tế thiếu hụt trầm trọng
Các chuyên gia y tế cho rằng, việc chuyển dịch nhân lực y tế từ tuyến dưới lên tuyến trên, từ địa phương về trung ương và từ công lập ra dân lập, cũng chỉ nhằm tăng cường năng lực khám chữa bệnh của các cơ sở y tế, để phục vụ người bệnh, chỉ khác ai là người đầu tư vốn.
Cần có chế độ đãi ngộ phù hợp cho các bác sĩ để giữ chân những bác sĩ giỏi. (Ảnh minh họa)
Sự dịch chuyển nhân lực từ cơ sở y tế công lập sang y tế tư nhân là việc bình thường tất yếu trong thị trường lao động. Tuy nhiên, qua sự dịch chuyển này các bệnh viện công có cơ hội để “nhìn lại mình”.
Xây dựng chế độ đãi ngộ đặc biệt
PGS.TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, các chế độ chính sách hiện nay đối với nhân viên y tế so với các ngành khác, tuy đã cải thiện phần nào, nhưng cũng chưa đáp ứng, cũng như chưa phù hợp với lao động, môi trường lao động, đầu tư cho đào tạo của lực lượng lao động trong ngành Y tế.
“Về lâu dài, tổ chức Công đoàn cần phối hợp với Bộ Y tế tiếp tục kiến nghị Chính phủ một số cải cách chế độ tiền lương, trực cho cán bộ y tế nói chung. Đề nghị xây dựng mức lương khởi điểm của bác sĩ cao hơn mức lương khởi điểm của bậc đại học khác cho phù hợp thời gian đào tạo”- ông Phú cho biết.
Còn BS.Trần Văn Phúc- Bệnh viện Xanh Pôn cho rằng, bệnh viện công là nơi tập trung rất nhiều bệnh nhân nặng và những ca bệnh khó. Do vậy, bệnh viện công chính là nơi để bác sĩ rèn luyện tay nghề. Còn bệnh viện tư luôn theo xu hướng phục vụ theo yêu cầu, vì vậy rất ít ca bệnh nặng đến bệnh viện tư. Để giữ chân được các bác sĩ giỏi, theo ông Phúc, cần có chế độ thù lao xứng đáng cho họ. Tuy nhiên, quỹ thù lao này không phải lấy từ quỹ của Nhà nước để trả lương mà đơn vị y tế sẽ là nơi tự chủ tài chính.
“Ở các nước trên thế giới, họ phân các đối tượng bác sĩ theo 3 cấp: chuyên gia cao cấp, chuyên gia và bác sĩ. Với các bác sĩ ở mức chuyên gia cao cấp, chuyên gia, bệnh viện công và tư đều phải có chế độ đãi ngộ đặc biệt để giữ chân họ gắn bó với bệnh viện. Đối với những bác sĩ mới ra trường chưa có năng lực, kinh nghiệm làm việc thì sẽ quy định 5 năm luân chuyển vị trí công tác để tích lũy kinh nghiệm.”- bác sĩ Phúc cho biết.
Thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn cho bác sĩ
Ths.Bs Trịnh Văn Mạnh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, việc cử các bác sĩ có trình độ đi tiếp nhận các gói kỹ thuật cao cũng khiến bệnh viện gặp khó khăn về nhân lực trong công tác chuyên môn. Tuy nhiên, để giữ chân các bác sĩ, bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh luôn tạo điều kiện để các bác sĩ được thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn.
Được biết, đây là việc làm thường xuyên hàng năm của bệnh viện. Mỗi năm, Bệnh viện chi khoảng 3 tỷ đồng để đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ y, bác sĩ. Đồng thời triển khai khoảng 30 kỹ thuật mới, mua sắm máy móc, thiết bị, tu sửa các phòng chức năng, thậm chí kết nối các thiết bị linh kiện ở các bệnh viện khác để phục vụ công tác chuyên môn.
Thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn cho bác sĩ. (Ảnh: KT)
“Mỗi năm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh cử 59 lượt bác sĩ, 43 lượt điều dưỡng kỹ thuật viên đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, thời gian ngắn nhất 2 tuần, dài nhất là 3 tháng. Bệnh viện bố trí linh hoạt, luân chuyển, hỗ trợ các vị trí với nhau. Đồng thời cử những người tay nghề tốt, có tiềm năng để tiếp quản công việc một cách bền vững, đảm bảo không bị xáo trộn”- Ths.Bs Trịnh Văn Mạnh cho biết.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, phải tăng thu nhập, tạo điều kiện làm việc, tạo cơ hội thăng tiến cho các bác sĩ, khi đó, họ sẽ gắn bó lâu dài.
“Hiện nay có một số bệnh viện mấy năm gần đây không có bác sĩ xin thôi việc mà chỉ có bác sĩ xin về như: Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh (Nghệ An), Bệnh viện Yên Lập (Phú Thọ), Bệnh viện phụ sản Bắc Ninh. Ở những bệnh viện này, các bác sĩ được đào tạo bài bản có nhiều cơ hội để đi nhưng họ vẫn gắn bó vì họ có thu nhập đầy đủ, môi trường làm việc tốt, có cơ hội thăng tiến...”- ông Nguyễn Tuấn Hưng cho biết.
PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng cho rằng, các địa phương cần phải xây dựng chế độ chính sách để duy trì, giữ chân những bác sĩ có tay nghề giỏi. Đối với các bệnh viện công lập, người lãnh đạo bệnh viện cần phát huy tính năng động, tăng các nguồn thu, đầu tư kỹ thuật chuyên môn cao, trang thiết bị y tế để các bác sĩ gắn bó với công việc.
Ông Hưng phân tích, trước mắt cần phải có giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực cho vùng sâu, vùng xa, bởi những vùng này đang thiếu nhân lực y tế trầm trọng.
“Cần có những giải pháp về đào tạo, đào tạo phải theo địa chỉ. Hiện nay có những đơn vị 10 năm không tuyển dụng được 1 bác sĩ đào tạo dài hạn. Nếu không có đào tạo chuyên tu từ y sĩ lên bác sĩ thì các bệnh viện vô cùng thiếu bác sĩ. Mặc dù chủ trương muốn tăng cường nhân lực khám chữa bệnh cho người dân thì phải là bác sĩ đào tạo dài hạn. Phải lựa chọn người đủ năng lực để đi đào tạo chuyên tu y sĩ lên bác sĩ, nhưng chỉ với một số địa bàn, chứ không đào tạo đại trà, đồng thời phải xây dựng về chế độ đãi ngộ.”- ông Hưng cho biết.
Bác sĩ giỏi, có kinh nghiệm lâu năm trong các bệnh viện công, bệnh viện lớn bỏ ra ngoài làm là một sự “chảy máu, lãng phí” đối với nguồn lực y tế công. Bởi Nhà nước mất thời gian đào tạo, nâng cao tay nghề nhưng nay vì chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc không phù hợp mà nguồn nhân lực này bị “thất thoát” là một sự lãng phí vô cùng lớn./.
Theo Minh Khánh/VOV.VN