Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải có kế hoạch và giải pháp để giải quyết dứt điểm số công chức, viên chức vượt quá số biên chế được giao, chấm dứt ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn nghiệp vụ trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Ngay cả ngành giáo dục cũng không nằm ngoài cuộc tinh giản biên chế.
(Ảnh minh họa: Nguyễn Dũng/TTXVN)
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 26/3 tại Hà Nội.
Hàng trăm giáo viên có nguy cơ mất việc
Tại buổi họp báo, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành đã cung cấp một số thông tin liên quan đến việc 500 giáo viên mất việc làm tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.
[Bao giờ mới giải quyết được vụ hơn 500 giáo viên mất việc ở Đắk Lắk?]
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, tổng số biên chế sự nghiệp giáo dục của huyện Krông Pắc được giao năm 2016 là 3.571. Tổng biên chế đã tuyển dụng tính đến ngày 24/11/2017 là 3.393, số biên chế chưa tuyển dụng là 178.
Qua rà soát, Ủy ban Nhân dân huyện Krông Pắc xác định có 578 trường hợp hợp đồng lao động, trong đó 370 trường hợp đủ điều kiện để nộp hồ sơ đăng ký tuyển dụng, 208 trường hợp còn lại không có vị trí việc làm để nộp hồ sơ tuyển dụng. Theo phương án tuyển dụng viên chức trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc Ủy ban Nhân dân huyện Krông Pắc năm 2017, Ủy ban Nhân dân huyện Krông Pắc thực hiện việc chấm dứt hợp đồng theo quy định.
Ông Nguyễn Tiến Thành xác nhận hàng trăm giáo viên tại huyện Krông Pắc có nguy cơ mất việc là đúng. Tuy nhiên, hiện nay, Ủy ban Nhân dân huyện Krông Pắc đã tạm dừng chấm dứt hợp đồng đối với các trường hợp không đủ điều kiện nộp hồ sơ, không có vị trí tuyển dụng và đang xây dựng phương án tối ưu để giải quyết vấn đề hợp đồng giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế.
Đặc biệt, liên quan tới một số thông tin về dấu hiệu tiêu cực để có suất dạy hợp đồng tại các trường trên địa bàn huyện Krông Pắc, Bộ Nội vụ đề nghị Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc, kiểm tra, điều tra, nếu có phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Bắt buộc chấm dứt hợp đồng
Đối với vụ việc gần 500 giáo việc tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk sắp mất việc làm, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho rằng cần xử lý vụ việc theo như quy định của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đại diện Bộ Nội vụ chỉ rõ, Chính phủ đã có Công văn số 2335/VPCP-TCCV yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải có kế hoạch và giải pháp để giải quyết dứt điểm số công chức, viên chức vượt quá số biên chế được Bộ Nội vụ giao hoặc thẩm định. Chấm dứt ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn nghiệp vụ trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đã sử dụng hết biên chế sự nghiệp được giao.
Hàng trăm giáo viên đang chờ phương án của Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắc. (Ảnh minh họa: Trung Kiên/TTXVN)
Hiện nay, Uỷ ban Nhân dân huyện Krông Pắc đã tạm dừng chấm dứt hợp đồng đối với các trường hợp không đủ điều kiện nộp hồ sơ, không có vị trí tuyển dụng và đang xây dựng phương án tối ưu để giải quyết vấn đề hợp đồng giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế.
Đối với phương án “nới” tiêu chí để tất cả các giáo viên hợp đồng đủ điều kiện thi tuyển, ông Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức-Viên chức cho biết, thẩm quyền tuyển dụng là thuộc Ủy ban nhân dân huyện, nới rộng tiêu chí nộp hồ sơ cũng chỉ là một điều kiện trong thi tuyển.
Theo Kết luận số 17-KL/TW của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện biên chế, tinh giản biên chế của các tổ chức trong hệ thống chính trị năm 2015-2016; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2017-2021 đã nêu rõ, đối với lĩnh vực giáo dục phổ thông, do số lượng học sinh tăng mà cần thiết phải thành lập trường mới, lớp mới thì ngành, địa phương tự cân đối, điều chỉnh trong tổng biên chế được giao. Các cơ quan, đơn vị đã sử dụng hết số biên chế, sự nghiệp được giao, không được thực hiện hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế công chức vượt quá số lượng đã được giao và thẩm định.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh: “Tinh giản biên chế không có ngoại lệ, dù là giáo dục hay y tế cũng sẽ không nằm ngoài cuộc.”
Như vậy, việc chấm dứt hợp đồng đã là yêu cầu bắt buộc của tinh giản biên chế mà các địa phương phải thực hiện. Đối với hơn 578 giáo viên hợp đồng lao động, sẽ có chỉ có 178 biên chế giáo viên được tuyển dụng đúng theo số biên chế còn thiếu mà Ủy ban Nhân dân huyện Krông Pắc được giao./.
Theo Hồng Kiều (Vietnam+)