Rau củ trồng ra không tiêu thụ được, gia súc xuất chuồng bị tư thương ép giá khiến người dân không còn mặn mà với công việc đồng áng.
Bỏ quê ra phố đang là thực tế đáng buồn tại nhiều làng quê ở tỉnh Quảng Nam.
Sau Tết, nhiều thanh niên trai trẻ ở thôn Chiêm Trung, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn khăn gói vào Nam hoặc ra TP Đà Nẵng mưu sinh để lại làng quê toàn người già, trẻ nhỏ.
Những cánh đồng lúa xanh mướt giờ là nơi chăn thả trâu bò.
Ông Dương Văn Thô (ở thôn Chiêm Trung, xã Điện Phương) chỉ tay về cánh đồng hơn 30 ha nằm sát Quốc lộ cho biết, toàn bộ ruộng lúa này vốn là của bà con thôn Chiêm Trung nhưng không có ai làm nên nhường lại cho người địa phương khác sản xuất.
"Làm ruộng không đủ ăn nên họ mới bỏ đi làm công nhân"- ông Dương Văn Thô bộc bạch.
Nông sản làm ra đã khó, đầu ra sản phẩm không ổn định, giá cả bấp bênh, trong khi giá vật tư, phân bón dịch vụ liên tục tăng, khiến nông dân không mấy mặn mà với đồng ruộng.
Bà Nguyễn Thị Trà (ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cho biết, bình quân làm một sào ruộng thu hoạch được vài bao lúa, nếu bị sâu bệnh hoặc mưa lụt, gần như mất trắng.
Làm ruộng vất vả, trồng rau màu, chăn nuôi cũng bấp bênh, thua lỗ. Mới đây, rau đậu được mùa nhưng không có đầu ra, giá rẻ như bèo, bán cũng không ai mua, nhiều người đành đổ bỏ cho trâu bò ăn. Theo bà Trà, nếu chỉ trông chờ vào làm nông thì không đủ sống.
Bà Trà cho hay: "Dân làm ăn cũng khó khăn, heo nuôi ra bán rẻ quá, bán 1 bầy heo được có 500.000 đồng bằng ngày xưa bán 1 con, không đủ tiền cám bã, lỗ quá, họ bán hết trơn. Còn ruộng lúa thì chuột cắn phá, rau màu họ làm tràn lan cũng rẻ òm, nông dân thu nhập kém".
Ông Nguyễn Đức Chơi, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thị xã Điện Bàn thừa nhận, một bộ phận nông dân hiện không chuyên tâm vào sản xuất nông nghiệp.
Nhiều người bỏ ruộng ra phố mưu sinh. Người dân ở các xã: Điện Phương, Điện Nam, Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn lần lượt kéo nhau lên thành phố làm ăn.
Ông Nguyễn Đức Chơi cho biết, địa phương này đang tổ chức quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp gồm 3 vùng Đông, Tây và vùng Gò Nổi, ven sông. Trong đó, tập trung sản xuất cây, con theo chuỗi gắn với nâng cao giá trị kinh tế, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản.
"Trước hết phải quy hoạch lại sản xuất cho phù hợp, nên lúc nào trồng cây gì, nuôi còn gì, chứ đồng loạt ai cũng nuôi, cũng trồng chắc chắn sản phẩm tiêu thụ không hết. Chúng tôi đang củng cố lại các hợp tác xã, liên kết với nông dân, tìm đầu ra để tiêu thụ. Chúng tôi tích cực kêu gọi nhiều doanh nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp chọn giống cây trồng, vật nuôi hiệu quả theo chuỗi giá trị"- ông Nguyễn Đức Chơi cho biết.
Rau đậu giá rẻ như bèo khiến người dân khó bán.
Nông dân bỏ ruộng ngày càng gia tăng tại các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam. Tại tỉnh Quảng Nam, tình trạng hoang hóa ruộng đất, suy giảm thâm canh đang tăng nhanh.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, năm 2016, tỉnh này có hơn 70 ha ruộng lúa, gần 120ha diện tích nuôi trồng thủy sản bỏ hoang, đất suy giảm thâm canh (chủ yếu là đất lúa) gần 550 ha.
Nguyên nhân là lao động trong nông nghiệp giảm mạnh. Năm 2015, Quảng Nam có 442.000 lao động nông nghiệp, chiếm hơn 50% trong cơ cấu lao động; giảm khoảng 40.000 lao động so với năm 2010.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã đề ra nhiều chính sách nhằm giữ chân lao động ở nông thôn, đồng thời tìm giải pháp giảm thiểu rủi ro cho nông dân trong trồng trọt, chăn nuôi.
"Quảng Nam đang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Người dân vừa có thể liên kết với doanh nghiệp, vừa trực tiếp sản xuất với doanh nghiệp để tiêu thụ. Như thế họ sẽ gắn bó với nơi họ sinh sống. Cũng khuyến khích các bạn trẻ tham gia khởi nghiệp hướng về nông nghiệp để cùng tham gia với người nông dân thực hiện khởi nghiệp trong nông nghiệp nông thôn", ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết./.
Theo VOV.VN