Khoảng cách giữa hai trạm thu giá trên cùng một tuyến đường phải đảm bảo cự ly tối thiểu là 70 km, trừ những trạm hoàn vốn cho các dự án cầu, hầm.
Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 49/2016 của Bộ GTVT quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.
Khoảng cách giữa hai trạm thu giá ở trên cùng một tuyến đường phải đảm bảo cự ly tối thiểu là 70 km, trừ những trạm thu giá hoàn vốn cho các dự án cầu đường bộ, hầm đường bộ.
Đáng chú ý, thông tư lần này đã bổ sung quy định về việc xây dựng trạm thu giá. Theo đó, đối với đường quốc lộ, trạm thu giá phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án và có quyết định thành lập trạm thu giá của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Vị trí đặt trạm thu giá phải phải nằm trong phạm vi dự án và có ý kiến thống nhất của các cơ quan địa phương (Hội đồng nhân dân, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội, hiệp hội vận tải ô tô), đồng thời lấy ý kiến tham gia của nhân dân địa phương.
Thời gian qua nhiều trạm thu giá BOT bị người dân phản đối do khoảng cách trạm không hợp lý, đặt ngoài phạm vi dự án. Trong ảnh là người dân phản đối trạm thu phí BOT QL5.
Đối với đường địa phương, trạm thu giá phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án do hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định; vị trí đặt trạm thu giá phải nằm trong phạm vi dự án do ủy ban nhân dân báo cáo hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.
Đặc biệt, khoảng cách giữa hai trạm thu giá ở trên cùng một tuyến đường phải đảm bảo cự ly tối thiểu là 70 km, trừ những trạm thu giá hoàn vốn cho các dự án cầu đường bộ, hầm đường bộ.
Trạm thu giá chỉ được tổ chức thu hoàn vốn cho dự án sau khi dự án hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, xác định đủ điều kiện được tổ chức thu.
Thông tư cũng quy định, đối với những trạm thu giá hoàn vốn cho các dự án đã đưa vào khai thác vận hành trước thời điểm thông tư này có hiệu lực, tiếp tục thực hiện theo các quy định của hợp đồng dự án và các văn bản liên quan.
Người dân phản đối trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) trên tuyến QL1.
Theo một chuyên gia giao thông, quy định về khoảng cách trạm thu giá trên cho thấy vẫn có "cửa" để đặt trạm thu giá có khoảng cách nhỏ hơn 70km (như trên hai tuyến đường gần kề). Nhưng nhìn chung những quy định này đã khắc phục được một số hạn chế về việc xây dựng trạm thu giá BOT thời gian qua.
"Nhưng các quy định trên chỉ áp dụng cho các dự án sau này. Còn các dự án đã đi vào khai thác, vận hành thì vẫn theo hợp đồng đã ký...", vị chuyên gia này nói.
Liên quan đến khoảng cách các trạm, trước đó, đại diện Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng tại Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính quy định khi áp dụng giá toàn tuyến phải luôn đảm bảo khoảng cách giữa các trạm tối thiểu là 70km.
Tuy nhiên, cũng tại thông tư này cho phép khoảng cách đặt ngắn hơn 70km khi được các cơ quan có thẩm quyền đồng ý. Vô hình chung, quy định này có thể dẫn đến tình trạng một đoạn đường dài 30km cũng được thu phí bằng với một đoạn đường dài 100km…
VCCI đề xuất phương pháp tính mức giá mới, dựa trên chi phí vận tải tiết kiệm được của phương tiện.
Cụ thể, VCCI cho rằng 2 phương pháp tính giá BOT theo chặng (áp dụng cho dự án thu phí kín) và theo lượt (thu phí hở) hiện nay đều bất cập, không giải quyết được tình trạng thu phí quá cao của một số dự án cải tạo, tăng cường mặt đường. Trong trường hợp đường cũ vẫn còn tốt, đang được đi miễn phí, chủ đầu tư chỉ thực hiện việc cải tạo, tăng cường mặt đường, nhưng được thu giá với mức tối đa là rất bất hợp lý.
Để khắc phục những bất cập trên, VCCI cho rằng phải tính toán chi phí vận tải trung bình của một phương tiện trên đường cũ, bao gồm chi phí khấu hao xe, chi phí nhiên liệu, chi phí thời gian đi lại… Sau khi dự án giao thông được thực hiện, chi phí trung bình giảm xuống, chủ phương tiện được lợi một khoản “chi phí vận tải tiết kiệm được”./.
Theo Phi Long/VOV.VN