Số tiền tiết kiệm được từ việc không đốt vàng mã được nhà chùa dùng để làm từ thiện, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.
Nhiều năm nay, khi đi lễ chùa, khá đông phật tử tại TPHCM đã tự nguyện bỏ tục đốt vàng mã, có ngôi chùa đã 20 năm nay không đốt vàng mã, dành làm từ thiện hàng tỷ đồng.
Dù là đi lễ chùa vào dịp Rằm tháng Giêng, một trong những lễ quan trọng trong năm theo quan niệm Phật giáo nhưng nhiều phật tử chỉ thắp nén nhang, không cúng và đốt vàng mã.
Thượng toạ Thích Duy Trấn, trụ trì chùa Liên Hoa bên số gạo phật tử quyên góp làm từ thiện.
Bà Lương Minh và bà Huỳnh Siêu Dung, những phật tử tại TPHCM quan niệm: “Việc đốt vàng mã chỉ là phung phí tiền bạc và nó không mang lại lợi ích gì hết. Khi mà mình đốt nhiều nó còn ô nhiễm môi trường, dễ gây hoả hoạn làm ảnh hưởng đến những người xung quanh”.
“Thứ nhất không có ô nhiễm môi trường. Thứ nhì không có hao tốn tiền bạc nữa, mình lấy số tiền đó làm từ thiện giúp cho những người nghèo khó khăn. Nhiều phật tử cũng ủng hộ không đốt vàng mã nữa”.
Với những lợi ích như thế, theo nhiều phật tử, họ thường xuyên vận động các phật tử khác cùng thực hiện không đốt vàng mã mỗi khi lên chùa cũng như ở nhà. Tiêu biểu là các phật tử chùa Liên Hoa tại Phường 8, Quận 11, TPHCM.
Thượng toạ Thích Duy Trấn, trụ trì chùa Liên Hoa cho biết: 20 năm nay ngôi chùa này đã thực hiện không đốt vàng mã, các phật tử đến chùa chỉ thắp vài nén nhang và dành tiền làm từ thiện. Khi chùa Liên Hoa treo thông báo thực hiện không đốt vàng mã và phá bỏ lò hóa vàng, nhiều phật tử còn tư tưởng mê tín đã bỏ chùa đi nơi khác. Tuy nhiên, hiệu quả xã hội qua những hoạt động nhân đạo, từ thiện của chùa đã khiến nhiều phật tử quay trở lại.
Theo Thượng toạ Thích Duy Trấn, chỉ tính riêng 2 năm 2016-2017 vừa qua, chùa Liên Hoa đã làm từ thiện giúp người nghèo trị giá gần 6 tỷ đồng từ việc chuyển tiền vàng mã thành tiền thật của các phật tử: “Qua 20 năm thực hiện, tôi cảm nhận rằng, Giáo hội đã ra công văn 31 để khuyến khích các chùa không đốt vàng mã, kể cả người dân, tôi nghĩ các nhà chùa nên làm trước để khuyến khích tất cả các phật tử vào chùa từ nay về sau không đốt giấy tiền vàng mã nữa. Khuyến khích họ đem số tiền chuẩn bị đốt trở thành tiền thật để làm từ thiện”.
Đến nay, chùa Liên Hoa đã trao tặng hàng nghìn suất học bổng, tặng quà người nghèo, góp tiền xây cầu nông thôn... tạo điều kiện vươn lên cho nhiều số phận học sinh nghèo học giỏi. Thượng toạ Thích Duy Trấn rất vui vì nhiều người trong đó đã trở thành những kỹ sư, bác sỹ đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước. Ông mong muốn phật tử hãy từ bỏ tục đốt vàng mã để làm việc thiện, bởi lòng từ bi phù hợp với giáo lý đạo Phật.
Chùa Liên Hoa đã không đốt vàng mã từ 20 năm nay.
Còn theo Sư cô Viên Hiền, nhà chùa thường xuyên tuyên truyền, vận động phật tử không mang theo vàng mã đến chùa, thay vào đó nếu phật tử có tấm lòng thơm thảo sẽ đóng góp chút gạo, chút dầu ăn, nước tương, hay quyên góp bằng tiền để nhà chùa giúp đỡ người nghèo, ủng hộ những vùng còn nhiều khó khăn trong cả nước: “Không đốt giấy tiền vàng mã là cũng như mình đã giúp đỡ, cứu trợ để ủng hộ cho những người nghèo neo đơn, mình đi cứu trợ xây đắp nhà tình thương cho đồng bào nghèo, có lợi ích lớn hơn, hay xây cầu thì cần số tiền nhiều hơn… Còn nếu mình cứ đốt vàng mã thì nó cũng không có lợi ích gì”.
Hoà thượng Thích Thanh Phong, Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TPHCM, Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm (Quận 3) cho biết, tục đốt vàng mã thể hiện lòng thành kính tưởng nhớ đến tổ tiên là một tín ngưỡng dân gian có từ rất lâu đời không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước Á Đông. Theo Hoà thượng, đây là hành động thể hiện niềm tin của người dân đối với tín ngưỡng, tuy nhiên làm sao không ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, không làm ô nhiễm môi trường, không gây hoả hoạn... Hoà thượng Thích Thanh Phong cho rằng chùa Vĩnh Nghiêm đã thực hiện từ lâu: “Chùa Vĩnh Nghiêm không phải là khi Trung ương Giáo hội ra chỉ thị mới làm mà chúng tôi hướng dẫn phật tử từ khi bước chân vào chùa rồi. Chúng tôi đã ý thức được việc đó ngay từ ngày chúng tôi bắt đầu đi tu. Chúng tôi cũng là thành viên của Giáo hội, mọi việc cũng do Giáo hội bàn thảo và ra nghị quyết chung thì chúng tôi đã là những người làm từ xưa đến nay rồi”.
Nhằm tăng cường nét đẹp văn hoá truyền thống dân tộc, mới đây, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo trái với thuần phong mỹ tục, văn hoá dân tộc và văn hoá Phật giáo Việt Nam. Mong sao tục đốt vàng mã cũng được người dân giảm bớt, tiến tới loại bỏ để cộng đồng xã hội có thêm nhiều việc làm từ bi, bác ái, ích nước, lợi dân./.
Theo Huy Sơn/VOV-TP HCM