Tổng thống Iran Rouhani tuyên bố, nếu muốn đối thoại, Mỹ phải bỏ cấm vận và chấm dứt hành xử kiểu “bắt nạt”.
Trong bối cảnh mâu thuẫn Mỹ-Iran ngày càng bị đẩy lên cao khi Washington vẫn không ngừng thúc giục đồng minh tham gia liên minh hàng hải ở vùng Vịnh, Tổng thống Iran Hassan Rouhani kêu gọi Mỹ ngừng ngay những hành động gây căng thẳng. Mặc dù tuyên bố ủng hộ đối thoại với Mỹ, song nhà lãnh đạo Iran vẫn đặt ra điều kiện rằng Mỹ trước tiên cần dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Cộng hòa Hồi giáo này.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: The National
Trong bài phát biểu được phát sóng trực tiếp trên truyền hình, Tổng thống Iran Rouhani ngày 6/8 lớn tiếng cảnh báo viễn cảnh chiến tranh với Iran sẽ là "mẹ của mọi cuộc chiến". Tái khẳng định ủng hộ đối thoại và đàm phán, song ông Rohani vẫn lưu ý rằng, Iran yêu cầu phía Mỹ lập tức chấm dứt kiểu hành xử “bắt nạt”, dỡ bỏ các cấm vận, trở lại với cách tiếp cận “hợp lý và sáng suốt”.
Những tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Rohani được đưa ra giữa lúc đối đầu Mỹ-Iran chạm ngưỡng nguy hiểm, đánh dấu bằng việc nhà lãnh đạo Iran mới đây ra tuyên bố rằng quốc gia Trung Đông này đã thay đổi cách tiếp cận từ "kiên nhẫn chiến lược" sang "hành động tương xứng" để đáp trả việc Mỹ gia tăng hiện diện quân sự ở Vùng Vịnh.
Giới chức Mỹ đang tích cực đẩy mạnh vận động các nước đồng minh cử tàu chiến tham gia một biệt đội tuần tra eo biển Hormuz. Và mặc dù đa phần đồng minh đều từ chối lời đề nghị của Mỹ song phía Mỹ vẫn tự tin khẳng định sẽ sớm xây dựng được một liên minh hàng hải ở vùng vịnh.
Phát biểu trong chuyến thăm Australia vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi sẽ có một chương trình toàn diện để Iran sẽ không làm điều gì đó dẫn tới nguy cơ gây xung đột-điều mà chắc chắn Mỹ cũng không hề muốn. Thứ hai là chúng tôi muốn bảo vệ các nền kinh tế của Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn phụ thuộc rất lớn vào hàng hóa lưu thông qua khu vực eo biển này.”
Hiện, Đức và Pháp đều đã phát đi tín hiệu từ chối gia nhập liên minh hàng hải do Mỹ dẫn đầu tại vùng Vịnh, song Mỹ đã thuyết phục được Anh tham gia liên minh này. Ngoại trưởng mới của Anh Dominic Raab vừa lập luận rằng, mục tiêu của Anh là “xây dựng một hệ thống hỗ trợ quốc tế rộng rãi nhất, nhằm giữ vững tự do hàng hải ở khu vực, được bảo vệ bởi luật pháp quốc tế”.
Không chỉ 3 quốc gia kể trên, một số nước khác như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy hay Bỉ cũng được Mỹ vận động gia nhập liên minh hàng hải tại vùng Vịnh, viện dẫn lý do tất cả các bên liên quan sẽ không chỉ bảo vệ lợi ích của họ mà còn để đảm bảo nguyên tắc cơ bản về giao thông hàng hải tự do và mở. Hiện có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh ý định của Mỹ.
Liệu một liên minh hàng hải tại vùng Vịnh có thực sự vận hành đúng chức năng như Mỹ vẫn tuyên bố là biến khu vực này trở thành thành “vùng biển an ninh nhất thế giới”, hay thực chất đây vẫn là chiêu bài hình thành một mặt trận chống Iran - động thái có thể khiến đẩy nhanh sự leo thang của một kịch bản đối đầu quân sự Mỹ-Iran vốn chưa thể lường trước hết hậu quả./.
Theo Phương Anh/VOV.VN