Trung Quốc tỏ ra lo ngại về kế hoạch của Mỹ nhằm triển khai tên lửa tại các địa điểm khác nhau ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Một tên lửa Mỹ rời bệ phóng (Ảnh minh họa: Quân đội Mỹ)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 3/8 cho biết Lầu Năm Góc sẽ sớm đặt các tên lửa tầm trung, phóng từ mặt đất tại các địa điểm ở châu Á, có thể ngay trong vài tháng tới.
Trung Quốc ngày 6/8 đã lên tiếng về thông tin trên, nói rằng nước này sẽ có động thái đáp trả nếu Mỹ thực sự thực thi kế hoạch triển khai tên lửa. Ông Fu Cong, người đứng đầu bộ phận kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng Bắc Kinh “sẽ không đứng yên” chứng kiến Mỹ đặt tên lửa ở châu Á.
“Nếu Mỹ đặt tên lửa ở khu vực này của thế giới, trước ngưỡng cửa Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ buộc phải có biện pháp đáp trả. Tôi kêu gọi các nước láng giềng thận trọng và không cho phép Mỹ triển khai tên lửa tầm trung trên lãnh thổ của họ”, ông Fu nói, đặc biệt đề cập tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Ông cho rằng việc cho Mỹ đặt tên lửa có thể ảnh hưởng tới lợi ích an ninh quốc gia của các nước này.
Ông Fu không nêu chi tiết Trung Quốc sẽ đáp trả như thế nào nhưng tuyên bố rằng “mọi phương án vẫn đang được bỏ ngỏ” nếu Mỹ tiến hành kế hoạch.
Trước đó, Australia cho biết sẽ không cho phép Mỹ đặt tên lửa trên lãnh thổ nước này.
Tuyên bố của ông Esper hồi tuần trước được cho là động thái mới nhất của Mỹ nhằm mục tiêu đối phó với Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh được cho đang nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc về mặt quân sự một các quyết liệt hơn đã khiến các đồng minh truyền thống của Mỹ là Australia và New Zealand tại khu vực quan ngại. Ngoài ra, các hành vi quân sự hóa phi pháp Biển Đông của Trung Quốc cũng khiến Mỹ quan tâm vì đây là vùng biển có tầm quan trọng chiến lược.
Ông Esper không nói rõ địa điểm Mỹ đặt tên lửa nhưng các chuyên gia nói rằng Washington có thể đặt chúng ở đảo Guam, nơi Washington đang đặt các cơ sở quân sự quan trọng.
"Không hứng thú đàm phán về kiểm soát vũ khí"
Ngoài ra, quan chức Trung Quốc trên cũng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh không có hứng thú với bất cứ cuộc đàm phán đa phương nào với Mỹ và Nga về vũ khí hạt nhân, với lý do hầu hết tên lửa Bắc Kinh không thể bay tới lãnh thổ Mỹ.
“Khoảng cách giữa kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc với Nga hay Mỹ là quá lớn. Tôi không nghĩ là việc Trung Quốc phải tham gia đàm phán kiểm soát vũ khí là hợp lý hay công bằng vào lúc này”, ông Fu nói.
Mỹ đã chính thức rút khỏi hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga năm 1987 vì cáo buộc Moscow vi phạm hiệp ước này nhiều lần. Nga đã bác bỏ các cáo buộc.
Sau khi rút khỏi INF, Mỹ cho biết họ sẽ phát triển một tên lửa mới. Giới quan sát cho rằng Mỹ có thể dùng vũ khí này để đối phó với các hệ thống tên lửa mà Trung Quốc đang triển khai tại châu Á.
Mỹ cũng tuyên bố rằng họ muốn Trung Quốc tham gia vào một hiệp ước hạt nhân mới. “Chúng tôi đã bàn với Nga về một hiệp ước nhằm khiến cả họ và chúng tôi từ bỏ một số loại vũ khí. Nó phải bao gồm Trung Quốc ở một mức độ nào đó”, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết hôm 2/8.
Theo Đức Hoàng/Dân trí