Tất cả kêu gọi ông Mike Pompeo đảm bảo những hành vi gây hấn và bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông là ưu tiên hàng đầu trong các cuộc thảo luận.
Bốn Thượng nghị sỹ Mỹ ngày 29/07 đã cùng gửi thư kêu gọi Ngoại trưởng Mike Pompeo lên tiếng về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông khi ông Pompeo họp với các quan chức ASEAN tại Bangkok, Thái Lan trong tuần này.
4 thượng nghị sỹ gửi thư lên Ngoại trưởng Mike Pompeo bao gồm Robert Memendez, Edward Markey, Patrick Leahy và Brian Schatz.
Bức thư với chữ ký của cả bốn Thượng nghị sỹ kêu gọi Ngoại trưởng Mike Pompeo đảm bảo những hành vi gây hấn và bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông là ưu tiên hàng đầu trong các cuộc thảo luận tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) ngày 02 tháng 8 ở Bangkok, Thái Lan.
Bức thư nhấn mạnh, hành vi của Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác, cải tạo, quân sự hóa các thực thể nhân tạo làm cớ để ép buộc các nước, phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực và việc Trung Quốc gây áp lực buộc ASEAN nhượng bộ trong đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) đều đáng để Mỹ chú ý hơn, thể hiện vai trò lãnh đạo nhiều hơn, cũng như tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác của Mỹ.
4 thượng nghị sỹ gửi thư lên Ngoại trưởng Mike Pompeo bao gồm Robert Memendez, Edward Markey, Patrick Leahy và Brian Schatz.
Theo các thượng nghị sỹ Mỹ, một Biển Đông nơi luật pháp quốc tế được tôn trọng, tự do hàng hải được đảm bảo, dòng chảy thương mại tự do, các tổ chức đa phương là trung tâm và các nước trong khu vực không bị cưỡng ép thuộc lợi ích cốt lõi của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Việc Trung Quốc dọa nạt, cưỡng ép, chối bỏ công ước ngoại giao và đe dọa sử dụng vũ lực trong nhiều năm qua là một thách thức nghiêm trọng đối với những lợi ích đó.
Bốn Thượng nghị sỹ cũng kêu gọi Ngoại trưởng Mike Pompeo coi cuộc gặp tới đây tại Bangkok là cơ hội tạo đồng thuận để bảo vệ quyền của các nước đồng minh và đối tác theo Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS), chấm dứt việc Trung Quốc xâm phạm quyền hợp pháp của các nước, đảm bảo luật pháp, thể chế quốc tế được tôn trọng./.
Theo Phạm Huân/VOV.VN