Iran cho biết nước này sẽ mở rộng sự hợp tác về quân sự với Nga giữa bối cảnh Mỹ và Anh định lập liên minh chống Tehran ở Vịnh Ba Tư.
Chỉ huy hải quân Iran - Chuẩn Đô đốc Hossein Khanzadi khẳng định hôm 29/7 rằng ông đã ký một bản ghi nhớ “chưa từng có tiền lệ” với Nga, chủ yếu liên quan đến lực lượng hải quân của hai nước và thỏa thuận này "được coi là một bước ngoặt trong quan hệ giữa Tehran và Moscow", hãng thông tấn bán chính thức Fars News Agency cho biết.
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh ông Khanzadi đang ở thăm thành phố St.Petersburg nhân lễ kỷ niệm ngày Hải quân Nga. Người đứng đầu lực lượng hải quân Iran cũng cho biết "các cuộc tập trận chung giữa Nga và Iran ở Ấn Độ Dương sẽ sớm diễn ra".
"Khi chúng tôi thảo luận về Ấn Độ Dương, có lẽ khu vực quan trọng nhất ở đây là phía bắc Ấn Độ Dương, đi qua Vịnh Oman, Eo biển Hormuz và Vịnh Ba Tư", ông Khanzadi cho biết.
Các cuộc tập trận giữa Nga và Iran sẽ diễn ra tại vùng biển mà Mỹ cáo buộc Iran đã tấn công cũng như bắt giữ các tàu thuyền quốc tế những tháng gần đây song Tehran đã phủ nhận những cáo buộc trên.
Iran từng tuyên bố bắn hạ 1 máy bay không người lái của Mỹ khiến Washington định không kích Tehran song Tổng thống Trump đã hủy bỏ quyết định này vào phút chót.
Căng thẳng giữa Iran và Anh cũng leo thang khi gần đây lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) bắt giữ một tàu chở dầu treo cờ Anh sau khi London giữ một siêu tàu chở dầu của Tehran khi đi qua eo biển Gibraltar.
Mỹ và Anh, mỗi nước đều kêu gọi thành lập 1 liên minh hàng hải quốc tế tuần tra trên Vịnh Ba Tư. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định tại Câu lạc bộ Kinh tế Washington rằng Mỹ sẽ thành công trong việc xây dựng "một kế hoạch an ninh hàng hải" và "chúng tôi cần các quốc gia trên khắp thế giới hỗ trợ chúng tôi trong việc bảo vệ tuyến đường thương mại này".
Trả lời phóng viên hôm 29/7 về việc liệu Seoul có tham gia sáng kiến của Lầu Năm Góc hay không, Đại tá Roh Jae-cheon- người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, quân đội Hàn Quốc đang "cân nhắc đến những lựa chọn khác nhau nhằm đảm bảo sự an toàn của tàu thuyền của chúng tôi" tại Eo biển Hormuz.
Hoài nghi trước những kế hoạch của Mỹ và Anh, Nga kêu gọi các cuộc thảo luận về an ninh với sự tham gia của Iran cùng với các nước khác trong khu vực, trong đó có cả các quốc gia trên Bán đảo Arab ủng hộ lập trường cứng rắn của Washington với Tehran.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu với báo giới hôm 25/7 rằng Bắc kinh "ủng hộ đề xuất của Nga và sẵn sàng trao đổi cũng như hợp tác với các bên liên quan".
Về phía Iran, Tổng thống Hassan Rouhani cho biết hôm 28/7 rằng "sự hiện diện của các lực lượng bên ngoài không giúp ích gì cho an ninh khu vực mà chỉ là nguyên nhân chính gây ra căng thẳng".
Nga và Iran từng hợp tác về mặt quân sự trong các chiến dịch nhằm ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria. Dù vậy Moscow cũng kêu gọi Tehran dừng làm giàu urani vượt hạn mức theo Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) dù nước này có cùng quan điểm với Trung Quốc khi cáo buộc việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này là lý do khiến Iran hành động như vậy./.
Theo Kiều Anh/VOV.VN