Chuyên gia nhận định tàu ngầm xuất hiện trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un gần đây có nhiều nét tương đồng với tàu ngầm của Nga.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát tàu ngầm đang được chế tạo của Triều Tiên. (Ảnh: KCNA)
Triều Tiên ngày 23/7 đã công bố các bức ảnh chụp nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một xưởng đóng tàu ngầm. Nhà phân tích tàu ngầm HI Sutton cho rằng khu vực đóng tàu ngầm này có thể ở bờ biển phía đông Triều Tiên.
Triều Tiên từ lâu đã mong muốn sở hữu một tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa đạn đạo, tuy nhiên kế hoạch này của Bình Nhưỡng gặp nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt quốc tế. Triều Tiên cũng từng thử nghiệm các tên lửa được thiết kế để phóng từ tàu ngầm.
Các tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa đạn đạo đã trao cho nhiều nước như Mỹ và Nga khả năng răn đe vượt trội. Ngay cả khi một nước nào đó tìm cách phá hủy kho vũ khí hạt nhân trên đất liền của nước đối thủ trước khi vũ khí này kịp phóng đi, một tàu ngầm mang tên lửa nằm sâu dưới đáy biển vẫn khó phát hiện hơn và có thể tung đòn đáp trả.
Những bức ảnh được công bố hôm qua cho thấy Triều Tiên có thể đang phát triển năng lực răn đe hạt nhân bằng tàu ngầm, mặc dù công nghệ tàu ngầm của Triều Tiên được cho là vẫn chưa hoàn thiện và “lép vế” hơn so với các tàu ngầm hiện đại của Mỹ.
Cận cảnh thân tàu ngầm Triều Tiên (Ảnh: KCNA)
Theo Bryan Clark, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách ở Mỹ và là cựu thủy thủ tàu ngầm, tàu ngầm mới của Triều Tiên có nhiều điểm tương đồng với tàu ngầm lớp Romeo của Nga được đóng lần đầu tiên vào thập niên 1950.
“Có vẻ như họ đã sửa lại tàu ngầm Type 003, tàu ngầm duy nhất mà họ tiếp cận được, và biến đổi tàu ngầm này để nó có thể mang được tên lửa đạn đạo trong ống phóng”, chuyên gia Clark cho biết.
Theo ông Clark, Mỹ và các nước tiên tiến thường đóng tàu ngầm với các khối thép khổng lồ và hàn chúng lại, trong khi Triều Tiên phải hàn các tấm thép nhỏ với nhau. Chuyên gia Mỹ cho rằng điều này khiến tàu ngầm Triều Tiên có phần vỏ ngoài thô ráp và để lộ nhiều mối nối dọc thân tàu. Trong kỹ thuật chế tạo tàu ngầm, vỏ ngoài thô ráp sẽ làm mất đi khả năng “ẩn mình” của tàu ngầm khi hoạt động dưới nước.
Chuyên gia Clark nhận định, thay vì được triển khai để tuần tra các vùng biển trên thế giới như cách tàu ngầm hạt nhân của Mỹ và Nga vẫn thực hiện, tàu ngầm Triều Tiên có lẽ không rời khỏi vùng biển của nước này. Nhiều khả năng, tàu ngầm này sẽ chỉ hoạt động trong phạm vi vài km trong vùng lãnh hải Triều Tiên và có thể được trang bị một vài tên lửa hạt nhân.
Một vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm của Triều Tiên. (Ảnh: KCNA)
Các tàu của Mỹ và Nhật Bản được trang bị công nghệ sonar tối tân, có thể dễ dàng phát hiện và phá hủy các tàu ngầm được cho là lỗi thời hơn như tàu ngầm Triều Tiên.
“Nếu bạn triển khai tàu ngầm trong vùng biển ngoài khơi của nước bạn, bạn có thể tránh được khả năng bị nước khác tiếp cận đủ gần để tấn công tàu ngầm đó”, chuyên gia Clark bình luận.
Trong trường hợp tàu ngầm Triều Tiên phóng tên lửa hạt nhân về phía các mục tiêu ở cự ly gần như Hàn Quốc và Nhật Bản, Bình Nhưỡng có thể sẽ phải đối mặt với hậu quả nặng nề.
Chỉ trong vài phút, tên lửa hạt nhân của Triều Tiên có thể phá hủy các thành phố đông dân tại hai nước láng giềng. Tuy nhiên, các tàu của Mỹ và Nhật Bản chắc chắn sẽ được triển khai, tiến vào vùng biển của Triều Tiên để truy tìm và tiêu diệt tàu ngầm vừa phóng tên lửa. Các mục tiêu trên đất liền của Triều Tiên có thể sẽ trở thành những mục tiêu tiếp theo của vũ khí hạt nhân Mỹ.
Theo Thành Đạt/Dân trí