Tehran lên án việc London bắt tàu chở dầu MT Grace 1, xem đây là hành động bất hợp pháp và kêu gọi thả tàu ngay lập tức.
Tàu chở dầu MT Grace 1 của Iran gần Gibraltar. Ảnh: Reuters.
"Việc thủy quân lục chiến Anh bắt tàu dầu Iran ở eo biển Gibraltar là một hình thức cướp biển, chứng tỏ London đang hùa theo các chính sách thù địch của Washington", hãng thông tấn nhà nước Iran (IRNA) hôm nay dẫn lời một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao.
Phản ứng của Iran được đưa ra sau khi cảnh sát biển Gibraltar, vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh, bắt tàu chở dầu MT Grace 1 trọng tải 300.000 tấn vào sáng sớm 4/7 dưới sự hỗ trợ của Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh.
Iran xác nhận sở hữu số dầu trên con tàu treo cờ Panama này. Truyền thông nhà nước Iran khẳng định con tàu xuất phát từ cảng Bandar Assalyeh của nước này và đang chở dầu thô tới cảng Basra của Iraq. Tuy nhiên, Bộ trưởng Gibraltar Fabian Picardo tuyên bố số dầu của Grace 1 đang trên đường tới nhà máy lọc dầu Banyas ở Syria, vốn đang chịu lệnh trừng phạt của EU.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi, Iran hôm qua cũng đã triệu đại sứ Anh để phản đối vụ bắt tàu MT Grace 1. Tại buổi triệu tập, Iran đã trao cho đại sứ Anh các tài liệu cho thấy con tàu đang quá cảnh đến một điểm cho phép chứ không phải tới Syria như cáo buộc của Gibraltar.
Theo Reuters, Iran từng sử dụng MT Grace 1, vốn được xem là "siêu tàu chở dầu", để vận chuyển dầu thô tới Singapore và Trung Quốc, bất chấp lệnh trừng phạt đơn phương của Washington đối với Tehran.
EU từ cuối năm 2011 áp lệnh trừng phạt đối với Syria do xung đột ở nước này, áp dụng với ngành sản xuất dầu mỏ và hoạt động đầu tư cùng khoảng 227 quan chức. Tài sản của khoảng 72 thực thể và tài sản của ngân hàng trung ương Syria tại EU cũng bị phong tỏa.
Lệnh trừng phạt này cho phép các thành viên EU bắt giữ phương tiện, truy tố, phạt tiền và phạt tù những cá nhân vi phạm các điều khoản cấm vận. Mức phạt và hình thức xử lý vi phạm thay đổi theo quy định của từng quốc gia thành viên EU.
Theo Mai Lâm/Vnexpress