Giới phân tích nhận định, nếu xảy ra chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc có thể phản công bằng những chiêu thức độc đáo, khác thường.
Cho tới tận chiều 5/4, dư luận vẫn cảm thấy trấn an về việc Mỹ và Trung Quốc sẽ "ăn miếng, trả miếng" nhau một cách kiềm chế. Song, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 5/4 đe dọa bổ sung gói thuế quan mới, trị giá 100 tỉ USD đánh vào hàng nhập Trung Quốc, nhiều người bắt đầu nghĩ đến khả năng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ biến thành một cuộc chiến tranh thương mại thực sự.
Các công-ten-nơ đang được bốc dỡ tại cảng Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: CNBC
Bài toán ăn miếng, trả miếng hóc búa
Báo New York Times dẫn lời giới phân tích cảnh báo, trong trường hợp xảy ra chiến tranh thương mại, các bên có thể không áp dụng những nguyên tắc thông thường về thương mại. Điều đó chắc chắn đúng với Trung Quốc, vì nhiều lẽ.
Trước hết, Trung Quốc đang xuất khẩu nhiều mặt hàng sang Mỹ hơn nhập khẩu từ thị trường này. Theo dữ liệu từ Cục Phân tích kinh tế Mỹ, năm 2017, nước này đã nhập khẩu tới 506 tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc, trong khi chỉ xuất khẩu 131 tỉ USD hàng hóa sang Trung Quốc.
Do đó, Bắc Kinh đơn giản không có nhiều "miếng" để giáng trả trước những kế hoạch tăng thuế của Washington, đặc biệt khi chính phủ Trung Quốc hiện cũng không muốn người dân nước này phải chi trả nhiều hơn cho các mặt hàng nhu yếu phẩm.
Bắc Kinh có vẻ chần chừ đánh thuế vào những mặt hàng Mỹ tiềm ẩn giá đắt phải trả về mặt chính trị hoặc chiến lược. Ví dụ, trong danh cách các mặt hàng đề xuất tăng thuế trả đũa ngày 4/4, chính phủ Trung Quốc chỉ liệt kê máy bay thân hẹp, mà không đề cập tới máy bay thân rộng. Theo Brad Setser, một chuyên gia cấp cao tại Hội đồng đối ngoại Mỹ, điều này có ý nghĩa chiến lược.
Trên thế giới hiện chỉ có 2 công ty có thể chế tạo được các máy bay thân rộng là Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu. Nếu Trung Quốc chỉ áp thuế với các máy bay của Boeing và "miễn trừ" các máy bay do Airbus chế tạo, nước này sẽ mất uy thế trước Airbus và có thể mất cả khả năng có được mức giá hời cũng như việc tiếp cận công nghệ tân tiến nhất.
Trung Quốc cũng đã tăng thuế đối với những mặt hàng không phải thế mạnh của Mỹ tại thị trường nước này, gồm cả các xa xỉ phẩm như rượu và các mặt hàng nông sản được coi là xa xỉ phẩm ở Trung Quốc như hạnh nhân và hạt dẻ cười.
Tuy nhiên, ở đợt đụng độ mới nhất, Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với đậu tương Mỹ. Động thái nhiều khả năng sẽ khiến Tổng thống Trump gặp rắc rối chính trị tại các bang làm nông nghiệp ở Mỹ, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ làm tăng giá thực phẩm ngay trong thị trường Trung Quốc. Đây là một quyết định đặt cược, trong đó Bắc Kinh coi các tùy chọn còn lại thậm chí còn khó giải quyết hơn vấn đề giá nhu yêu phẩm hay chiến lược công nghiệp của nước này.
Các "chiêu độc"
Nếu tranh chấp thương mại leo thang, Trung Quốc do đó cũng sẽ phải gánh phí tổn nặng nề. Nhận thức được điều này, Trung Quốc đang tìm kiếm các giải pháp không theo thông lệ.
Do trong quá khứ chưa từng có tiền lệ về chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc với một nước khác, nên giới phân tích hiện chỉ phỏng đoán về những gì Bắc Kinh có thể làm tiếp theo. Theo họ, Trung Quốc có thể tung ra các "chiêu độc" để chống lại Mỹ trong trường hợp xấu nhất.
Ví dụ, nếu muốn, Bắc Kinh có thể gây khó cho các công ty Mỹ đang làm ăn lớn tại Trung Quốc. Chẳng hạn như, Bắc Kinh có thể quyết định rằng, điện thoại do một công ty ngoại quốc sản xuất (như iPhone của Apple) là mối đe dọa an ninh quốc gia. Họ cũng có thể thường xuyên cử các đoàn kiểm tra tới nhà máy của các công ty ngoại quốc đóng trên địa bàn, cản trở quá trình sản xuất hoặc thậm chí đóng cửa những cơ sơ này vì các vấn đề nhỏ trong tuân thủ quy định của nước sở tại. Đây là biện pháp trả đũa không mang tính chính thống và cũng không bị đông đảo dư luận chỉ trích.
Truyền thông cũng có thể bị lôi vào cuộc. Ví dụ, vào năm 2013, báo chí Trung Quốc từng đồng loạt cáo buộc Jaguar Land Rover và Audi đã "chặt chém" người mua linh kiện xe hơi của hai hãng này. Các nhà phân tích phương Tây đánh giá động thái là một phần của chiến dịch gây áp lực, buộc các hãng xe hơi phải chuyển nhiều hoạt động sản xuất hơn sang Trung Quốc.
Ngoài ra, Trung Quốc có thể tận dụng vai trò là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Suốt 20 năm qua, nước này đã tích lũy được một lượng lớn trái phiếu kho bạc Mỹ, trị giá tới 1.200 tỉ USD.
Nếu Trung Quốc đột nhiên bán ra một số trái phiếu đang nắm giữ hoặc thậm chí phát tín hiệu về ý định mua ít trái phiếu chính phủ Mỹ hơn trong tương lai, điều đó có thể khiến lãi suất dài hạn ở Mỹ tăng cao, ít nhất trong thời gian ngắn. Chính phủ liên bang hay những cá nhân mua nhà ở Mỹ sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng tiêu cực do phí vay tăng.
Tất nhiên, tình hình phát triển của nền kinh tế Mỹ và các động thái của Cục dữ trự liên bang Mỹ mới có vai trò quyết định chủ yếu đến giá trái phiếu kho bạc nước này. Dẫu vậy, theo Eswar Prasad, chuyên gia nghiên cứu về các mối quan hệ kinh tế của Trung Quốc tại Đại học Cornell (Mỹ), Bắc Kinh hiện nắm giữ ảnh hưởng đủ gây lo ngại cho các thị trường trái phiếu Mỹ.
Công chúng hiện vẫn nín thở chờ xem các động thái tiếp theo của Trung Quốc giữa lúc căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang. Có một điều chắc chắn là, Bắc Kinh sẽ không chịu nhượng bộ Washington và sẽ đáp trả tương xứng như tuyên bố lâu nay của họ.
Theo Tuấn Anh/Vietnamnet