Tổng thống Mỹ Donald Trump để ngỏ khả năng đưa Mỹ tái gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi rút lui vào năm 2017.
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Getty)
Theo đài NHK (Nhật Bản), Tổng thống Donald Trump đề cập tới khả năng đưa Mỹ tái gia nhập TPP trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tại Mỹ ngày 23/2.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng thống Trump cho biết hiệp định TPP ban đầu là “một thỏa thuận rất tệ”. Nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng hiệp định này đã lấy đi số lượng việc làm đáng kể.
“Có khả năng chúng tôi sẽ gia nhập, nhưng họ phải đưa cho chúng tôi một thỏa thuận tốt hơn nhiều”, ông Trump nói, song từ chối bình luận thêm.
Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ ngày 25/1, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ cân nhắc đưa Mỹ tái gia nhập TPP nếu Washington đạt được một thỏa thuận tốt hơn nhiều so với thỏa thuận mà ông mô tả là “kinh khủng” trước đây.
Sau khi nhậm chức vào cuối tháng 1/2017, Tổng thống Trump đã chỉ đạo cho đại diện thương mại rút Mỹ khỏi hiệp định TPP - thỏa thuận với sự tham gia của 12 thành viên ở khu vực ven Thái Bình Dương. Khi đó nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố ông sẽ tìm kiếm các thỏa thuận riêng lẻ với các quốc gia khác.
Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, 11 quốc gia thành viên còn lại đã nỗ lực khôi phục hiệp định thông qua các vòng đàm phán và dự kiến sẽ ký kết Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay TPP 11, vào ngày 8/3 tới. Thành công của TPP 11 mở ra hy vọng rằng Washington rốt cuộc sẽ trở lại hiệp định đa phương này.
Ngoài Tổng thống Trump, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng đề cập đến khả năng Mỹ quay trở lại TPP trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso hồi đầu tháng 2 ở Tokyo.
Cũng trong cuộc họp báo với nhà lãnh đạo Australia, Tổng thống Trump đã đề cập tới vấn đề thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông nhấn mạnh mối quan hệ cá nhân “đặc biệt” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, song vẫn chỉ trích các chính sách thương mại của Bắc Kinh là không công bằng với người lao động Mỹ.
Ông Trump cũng cân nhắc các biện pháp mạnh tay với Trung Quốc nhằm đối phó với tình trạng dư thừa thép và vấn đề vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, Bắc Kinh tuyên bố có thể đáp trả bất kỳ lệnh trừng phạt nào từ Washington.
Thành Đạt/Dân trí
Tổng hợp