Chưa có những đáp trả quy mô lớn sau khi lãnh đạo Hamas lẫn Hezbollah đều bị giết, nhưng tình hình khu vực Trung Đông đứng trước nhiều diễn biến khó lường.
Hôm qua (3.8), Đài Al Jazeera đưa tin ông Haitham Balidi, lãnh đạo cánh quân sự của Hamas ở thành phố Nablus (vùng Bờ Tây), đã thiệt mạng trong vụ 1 chiếc xe hơi bị không kích cùng ngày khi đang di chuyển ở Tulkarm (cũng thuộc Bờ Tây). Vụ tấn công được cho là do Israel tiến hành, càng khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng.
Tình hình khu vực leo thang gần đây sau khi Israel ngày 31.7 giết chết thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh trong lúc ông này đang thăm Iran. Cùng ngày 31.7, Israel cũng đã giết chết chỉ huy quân sự Fuad Shukr của lực lượng Hezbollah. Hôm qua (3.8), Reuters dẫn lời đại diện Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho hay thủ lĩnh Haniyeh bị sát hại bởi "một vật thể bay tầm ngắn với đầu đạn khoảng 7 kg". "Vật thể" này bay từ ngoài vào căn phòng mà ông Haniyeh đang ở tại Tehran, rồi gây ra vụ nổ lớn.
Lực lượng Mỹ ngoài khơi Trung Đông (hình chụp vào tháng 7) DOD
Rầm rập không khí quân sự
Cũng vào hôm qua (theo giờ VN), Bộ Quốc phòng Mỹ phát đi thông cáo cho biết nước này đang cử 1 nhóm tác chiến tàu sân bay, 1 phi đội máy bay chiến đấu và bổ sung thêm tàu chiến bổ sung tới Trung Đông. Đây được xem là đợt di chuyển lớn nhất của lực lượng Mỹ tới khu vực kể từ khi bùng nổ xung đột vì Hamas tấn công Israel vào cuối tháng 10. Theo đại diện Lầu Năm Góc, việc triển khai lần này nhằm sẵn sàng đáp trả các mối đe dọa từ Iran và lực lượng quân sự do Iran hậu thuẫn. Washington đã liên tục khẳng định sẽ bảo vệ Tel Aviv.
Trả lời CNN, Điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) Nhà Trắng John Kirby tuyên bố: "Chúng tôi đã nghe Lãnh đạo Tối cao của Iran đề cập ý định trả thù vụ sát hại lãnh đạo Hamas và rằng họ muốn tiến hành một cuộc tấn công khác vào Israel". Qua đó, Nhà Trắng cam kết sẽ bảo vệ Israel.
Động thái quân sự của Lầu Năm Góc nhằm đảm bảo tăng cường năng lực phòng thủ ở khu vực trước những rủi ro tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái như từng xảy ra hồi tháng 4. Gần 4 tháng trước, vào khuya 13.4 và rạng sáng 14.4, Iran đã tiến hành một cuộc tấn công chưa từng có bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa nhằm vào Israel để trả đũa việc Israel đã tấn công vào khu sứ quán Iran ở Damascus (Syria).
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cảnh báo nếu Israel bị tấn công, Mỹ sẽ bảo vệ nước này như đã tiến hành hồi tháng 4. Trong vụ Iran tấn công trả đũa Israel vào tháng 4, phần lớn tên lửa và UAV được phóng đi đều bị đánh chặn bởi hệ thống phòng thủ của Israel cùng mạng lưới dày đặc mà Mỹ thiết lập ở khu vực. Cụ thể, các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) và phòng thủ tên lửa tầm xa Patriot đã được triển khai ở Iraq, Kuwait, UAE, Qatar, Ả Rập Xê Út, Jordan và tại căn cứ bí mật mang mã 512 mà Mỹ đặt ở Israel. Các tàu chiến Mỹ ở khu vực, mạng lưới phòng thủ tên lửa vừa nêu cùng với các chiến đấu cơ Mỹ ở Kuwait, Jordan, UAE, Qatar và Ả Rập Xê Út đủ sức phối hợp thành một mái vòm phòng thủ bao trùm Israel (và các căn cứ khu vực của chính Mỹ với các nước). Tất cả tạo thành một mạng lưới phòng thủ đa tầng, dày đặc.
Hiện trường chiếc xe ở Tulkarm bị Israel không kích ngày 3.8 Reuters
Ảm đạm thỏa thuận hòa bình
Ông Aaron David Miller, một thành viên cấp cao tại Tổ chức Hòa bình Quốc tế Carnegie (Mỹ) và từng là nhà cố vấn chính sách cho Nhà Trắng về Trung Đông, ngày 2.8 cho rằng "còn quá sớm để dự đoán" tác động của vụ giết chết thủ lĩnh Haniyeh đối với thỏa thuận Gaza, nhưng ông cũng đánh giá là "theo lẽ thường" thì việc đàm phán sẽ khó khăn hơn. Ông cũng nhận định các cuộc đàm phán đang bị "đóng băng", và lo ngại một cuộc chiến tranh cấp khu vực là "không thể tránh khỏi".
Như đã nói ở trên, hơn 10 quốc gia trong khu vực tham gia mạng lưới phòng thủ của Mỹ. Đó là chưa kể Anh cũng gắn bó mật thiết với mạng lưới này, hay Bahrain đã mua tên lửa Patriot để trở thành một phần của mạng lưới. Ở phía ngược lại, các bên trực tiếp can dự đến cuộc chiến còn có Iran, Hezbollah (Li Băng), Houthi (Yemen), các tay súng ở Syria, Hamas (Palestine). Nên thực tế, đến nay đã có rất nhiều bên đã liên quan xung đột đang diễn ra tại Trung Đông.
Chính vì thế, chiến sự Trung Đông đang ẩn chứa nguy cơ bùng phát với mức độ rất khó lường.
Theo Hoàng Đình/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/lua-dan-trung-dong-dang-rat-kho-luong-18524080320520455.htm