Theo AFP, Bộ Tài chính Mỹ ngày 31.1 đã đưa Bộ trưởng Năng lượng Myo Myint Oo của Myanmar và 2 lãnh đạo công ty dầu khí nhà nước MOGE vào danh sách đen.
Bộ Tài chính Mỹ cũng cấm vận người đứng đầu không quân Myanmar Htun Aung, cựu quan chức quân đội Hla Swe và cô Htoo Htwe Tay Za, con gái doanh nhân Tay Za, sở hữu Tập đoàn Htoo hợp tác chặt chẽ với quân đội Myanmar. Ủy ban Bầu cử Liên minh do quân đội Myanmar kiểm soát và hai công ty khai thác mỏ thuộc sở hữu nhà nước cũng bị Mỹ cấm vận. Cùng ngày, Anh, Canada và Úc đã đưa ra các lệnh trừng phạt của riêng mình.
Duyệt binh nhân kỷ niệm 72 năm ngày Lực lượng vũ trang Myanmar ở thủ đô Naypyitaw, tháng 3.2017 REUTERS
Những biện pháp cấm vận mới nhất được đưa ra một ngày trước khi Myanmar đánh dấu 2 năm nổ ra chính biến ngày 1.2.2021. Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, hàng loạt quan chức chính quyền và thành viên đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi đã bị bắt giữ với lý do gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11.2020.
Sau đó, quân đội Myanmar lên nắm quyền và tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước trong một năm. Tình trạng khẩn cấp đã được gia hạn 2 lần và sẽ hết hạn vào ngày 1.2. Quân đội Myanmar ngày 1.2 dự kiến tuyên bố về việc có kéo dài tình trạng khẩn cấp hay không. Trước đó, Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia (NDSC) của quân đội Myanmar ngày 31.1 đã họp để thảo luận về tình hình ở nước này.
Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn với bạo lực và biểu tình diễn ra thường xuyên kể từ sau cuộc chính biến, khiến nhiều người thiệt mạng. Phát biểu trên truyền hình tối 1.2, Thống tướng Min Aung Hlaing cho biết ông đã đề nghị NDSC kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng nữa vì tình hình ở Myanmar vẫn "bất thường". Ông cũng nói quân đội sẽ bảo vệ hiến pháp và bầu cử đa đảng sẽ được tổ chức, song không cung cấp thông tin cụ thể về thời gian tổ chức bầu cử, theo Reuters.
Theo Đông A/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/myanmar-ganh-them-lenh-cam-van-185230202001752192.htm