24
/
135411
Bước ngoặt đáng lo cho Ukraine
buoc-ngoat-dang-lo-cho-ukraine
news

Bước ngoặt đáng lo cho Ukraine

Chủ nhật, 02/10/2022 | 09:28:05
2,140 lượt xem

Việc Nga tuyên bố sáp nhập bốn vùng lãnh thổ ở Ukraine đang đẩy cuộc giao tranh tại Ukraine sang giai đoạn mới với rất ít tín hiệu sẽ sớm kết thúc và có thể sẽ ngày càng khốc liệt hơn.

Bước ngoặt đáng lo cho Ukraine - Ảnh 1.

Ông Putin (giữa) và bốn lãnh đạo các vùng vừa sáp nhập tại Ukraine được Nga bổ nhiệm đặt bàn tay lên nhau bày tỏ tinh thần đoàn kết - Ảnh: GETTY IMAGES

Tối 30-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố chính thức sáp nhập bốn khu vực nước này đang kiểm soát tại Ukraine là Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia vào lãnh thổ Liên bang Nga.

Khó đoán bước tiếp theo

Sau lễ công bố tại Điện Kremlin vào tối 30-9, dư luận đa phần tập trung vào sự tự tin của Nga trong việc tuyên bố sáp nhập 15% lãnh thổ Ukraine, căn cứ trên kết quả của các cuộc trưng cầu ý dân. 

Như vậy, bất chấp phương Tây có công nhận tính chính danh của các cuộc trưng cầu đó hay không, thái độ của Nga rất rõ ràng và đây là diễn biến đáng lo ngại cho Ukraine.

Bởi dù phương Tây có công nhận hay không thì giờ đây bốn khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia sẽ là "lãnh thổ của Nga" trên giấy tờ của Nga. Ông Putin đã tuyên bố sẽ bảo vệ lãnh thổ Nga "bằng mọi phương án nằm trong sự sắp xếp của chúng tôi". 

Đây là tuyên bố được phương Tây nhìn nhận như một ngụ ý nếu bốn khu vực trên bị tấn công thì Nga có thể dùng tới vũ khí hạt nhân nếu cần.

Nói cách khác, khi ông Putin tuyên bố hàng triệu người ở bốn khu vực trên là công dân Nga "mãi mãi", đó có thể là tín hiệu giả sử Ukraine tấn công bốn vùng trên, nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân không bị loại trừ - dù hiện tại ít ai nghĩ kịch bản này sẽ xảy ra.

Vấn đề là Nga sẽ có thể sử dụng đến vũ khí hạt nhân hay không? Trang The Hill dẫn lời ông Thomas Pickering, từng là đại sứ Mỹ ở Liên Hiệp Quốc và tại Nga, nhận định: "Liệu ông Putin có thực sự dùng tới vũ khí hạt nhân? Không ai dám chắc...". 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong phát biểu ngày 30-9 nói Mỹ đang "quan sát cẩn thận để xem liệu Nga có thực sự làm những điều gợi ý khả năng dùng vũ khí hạt nhân hay không". Ông nói: "Tới nay chúng tôi chưa thấy họ có những hành động như thế".

Thế giằng co tiếp diễn

Không ngoài dự đoán, các nước phương Tây đã phản ứng mạnh mẽ trước hành động sáp nhập của Nga. Mỹ đã tuyên bố hàng loạt lệnh trừng phạt kinh tế mới lên các cá nhân và thực thể liên quan của Nga, đồng thời Tổng thống Biden tuyên bố "Mỹ sẽ giúp Ukraine lấy lại lãnh thổ của mình".

Tuy nhiên, thông tin về các lệnh trừng phạt của Mỹ lần này tương đối "yên ắng", ít thu hút dư luận. Truyền thông quốc tế đa phần tập trung vào thái độ của các bên đối với đề nghị gia nhập "cấp tốc" của Ukraine vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chính thức đề nghị NATO xem xét tư cách thành viên theo diện rút ngắn quy trình, nhưng phản ứng của tổng thư ký NATO và phía Mỹ lại không mấy lạc quan. 

Báo chí Mỹ mô tả Washington đã "giội nước lạnh" vào mong muốn được "gia nhập cấp tốc" của Ukraine khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói đơn gia nhập NATO của Ukraine "nên được xem xét vào lúc khác".

Đến nay, phía Mỹ vẫn kiên quyết chỉ hỗ trợ tài chính và vũ khí cho Ukraine thay vì có thêm các động thái mang tính bước ngoặt. Nói như ông Sullivan, cách tốt nhất để Mỹ ủng hộ Ukraine là thông qua thực tiễn và hỗ trợ Ukraine trên chiến trường.

Ngày 1-10, Tổng thống Ukraine Zelensky cảm ơn Tổng thống Mỹ Joe Biden vì đã ký luật cung cấp 12,3 tỉ USD hỗ trợ Ukraine. Động thái này hé lộ một giai đoạn xung đột quân sự dai dẳng sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.

Cùng ngày, Ngân hàng Thế giới (WB) tuyên bố khoản viện trợ bổ sung 530 triệu USD để giúp Ukraine trang trải chi phí y tế, giáo dục và xã hội, theo AFP. Anh và Đan Mạch lần lượt đóng góp 500 triệu USD và 30 triệu USD cho khoản này, hy vọng hỗ trợ Ukraine khắc phục hậu quả chiến tranh. 

Theo Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, đến nay WB đã huy động gần 13 tỉ USD cho Ukraine và 11 tỉ USD đã được giải ngân.

Rộ tin tổng giám đốc Nhà máy điện Zaporizhzhia bị bắt

Tổng giám đốc Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, ông Ihor Murashov, được biết đã bị lực lượng tuần tra Nga bắt giữ vào chiều 30-9.

Thông tin do Công ty Energoatom phụ trách Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia công bố vào ngày 1-10. Ông Murashov bị bắt khi đang trên đường từ nhà máy này đến thị trấn Enerhodar, phía bắc tỉnh Zaporizhzhia.

Reuters cho biết đã liên hệ với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế và người phát ngôn cơ quan này cho biết: "Chúng tôi đã liên hệ với chính quyền Nga và đang yêu cầu làm rõ thông tin trên".

Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu và là một trong những điểm nóng kể từ khi xảy ra chiến sự tại Ukraine.

Theo Nhật Đăng/Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/buoc-ngoat-dang-lo-cho-ukraine-20221001230636204.htm

  • Từ khóa

Iran cảnh báo khiến Israel phải "hối hận" nếu trả đũa

Iran cảnh báo sẽ đáp trả ngay lập tức và "ở mức tối đa" nếu Israel hành động đi ngược lại lợi ích của quốc gia Trung Đông.
07:49 - 20/04/2024
138 lượt xem

Gần nửa số thành phố lớn tại Trung Quốc đang bị 'chìm dần'

Gần một nửa số thành phố lớn của Trung Quốc, với dân số 270 triệu dân đang bị chìm dần và những vùng ven biển đối diện nguy cơ ngập lụt, nước biển...
14:51 - 19/04/2024
568 lượt xem

Israel tấn công tên lửa vào Iran

Hãng tin ABC News dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, tối 18/4 (giờ địa phương), các tên lửa của Israel đã tấn công một địa điểm tại Iran.
11:29 - 19/04/2024
648 lượt xem

Iran cảnh báo hạt nhân, kêu gọi Israel dừng phiêu lưu quân sự

Iran cảnh báo đáp trả quyết liệt hành động quân sự của Israel tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 18/4.
09:15 - 19/04/2024
684 lượt xem

Nguy cơ leo thang quân sự Israel - Iran

Bất chấp nhiều nỗ lực xoa dịu từ phương Tây, Israel dường như không từ bỏ ý định đáp trả quân sự nhằm vào Iran và Tehran đã có hành động phòng ngừa rủi...
06:56 - 19/04/2024
789 lượt xem