Thẩm phán Tòa án Tối cao Indonesia Sudrajad Dimyati ngày 23.9 đã bị cơ quan chống tham nhũng nước này bắt giữ vì có liên quan đến một vụ bê bối hối lộ.
Thẩm phán Tòa án Tối cao Sudrajad Dimyati
Reuters đưa tin Ủy ban Xóa bỏ Tham nhũng Indonesia (KPK) ngày 23.9 đã bắt giữ Thẩm phán Tòa án Tối cao Sudrajad Dimyati vì ông Dimyati bị cáo buộc có liên quan đến vụ bê bối hối lộ. Đây là một trong những thẩm phán cấp cao nhất phải đối mặt với cuộc điều tra liên quan đến việc hối lộ.
Trong cuộc họp báo ngày 23.9, Phó chủ tịch KPK Alexander Marwata cho biết thẩm phán Sudrajad Dimyati đã bị bắt giam sau khi ông tự nguyện ra trình diện.
KPK cũng bắt giữ 6 nghi phạm khác mà cơ quan này cho rằng có liên quan đến việc sắp xếp hối lộ 2,2 tỉ rupiah (146.520 USD) vào đầu năm nay để một hợp tác xã cho vay đang bị vỡ nợ nhận được phán quyết có lợi trước tòa.
Chủ tịch KPK Firli Bahuri trước đó đã công khai kêu gọi thẩm phán Dimyati và 3 người khác đầu hàng. Ông Dimyati không trả lời yêu cầu đưa ra bình luận về các cáo buộc.
Quan chức Zahrul Rabain thuộc bộ phận giám sát của Tòa án Tối cao cho biết thẩm phán Dimyati sẽ bị đình chỉ công tác. Tuy nhiên, ông Rabain không đưa ra khoảng thời gian cụ thể cho việc này.
Theo ông Firli, KPK đã tiến hành các cuộc lục soát ở Jakarta, Semarang và bắt giữ sáu người, thu giữ gần 148.000 USD tiền mặt từ nhà của một quan chức Tòa án Tối cao. Số tiền này phần lớn là đô la Singapore và một khoảng tiền trong số đó được giấu trong một cuốn từ điển rỗng.
Truyền thông Indonesia đưa tin một luật sư từ hợp tác xã cho vay ngày 23.9 cho biết ông sẵn sàng "bị trừng phạt càng nặng càng tốt".
KPK được thành lập vào năm 2002, sau khi cố Tổng thống Suharto bị buộc phải từ chức. Cơ quan này được công chúng Indonesia ủng hộ vì đã xử lý những nhân vật quyền lực phạm tội tham nhũng, bao gồm các chính trị gia cấp cao, doanh nhân, thẩm phán và một cựu bộ trưởng.
Đương kim Tổng thống Indonesia Joko Widodo được bầu vào năm 2014 để thực hiện một cuộc chiến chống tham nhũng. Tuy nhiên, một số người phản đối cho rằng quyền lực của KPK đã bị giảm trong thời gian ông Widodo nắm quyền. Chính phủ Indonesia phủ nhận KPK hoạt động chậm chạp.
Theo Đông A/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/tham-phan-toa-an-toi-cao-indonesia-bi-bat-vi-cao-buoc-hoi-lo-post1502981.html