Quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng virus SARS-CoV-2 sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn, dựa trên diễn biến của đại dịch thời gian qua.
Nhiều chuyên gia dự đoán Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu năm 2022 (Ảnh minh họa: AFP).
Phát biểu trên kênh Soloviev Live YouTube hôm 16/1, Đại diện của WHO tại Nga Melita Vujnovic cho biết, cách đại dịch Covid-19 phát triển cho thấy virus SARS-CoV-2 sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn, thay vào đó nó sẽ lưu hành như một bệnh đặc hữu.
"Covid-19 đang trên đường trở thành một bệnh đặc hữu. Điều này có nghĩa là nó sẽ không biến mất. Nhưng chúng ta đã học được cách điều trị và cách bảo vệ bản thân khỏi virus. Điều quan trọng nhất là chúng ta cần ngăn chặn sự bùng phát của các ca nhiễm ngay bây giờ và giảm số lượng những người dễ bị tổn thương bởi virus. Nếu không, các biến chủng mới sẽ xuất hiện theo hướng không thể đoán trước", bà Vujnovic cho biết.
Quan chức WHO cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để thế giới có thể "buông lỏng" đại dịch.
"Ngoài việc tiêm phòng, điều quan trọng nhất bây giờ là tuân thủ các biện pháp bảo vệ khác: đeo khẩu trang và đổi khẩu trang theo khoảng thời gian khuyến cáo, thông gió trong các phòng và tránh tập trung đông người trong không gian hẹp. Điều này rất quan trọng", bà Vujnovic nói thêm.
Hơn 2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thế giới vẫn đang chật vật đối phó với đợt bùng phát mới do sự xuất hiện của các biến chủng mới. Biến chủng Omicron được phát hiện hồi cuối năm 2021 đang khiến số ca nhiễm mới ở nhiều nơi trên thế giới tăng đột biến, kéo theo thách thức lớn cho hệ thống y tế.
Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học ở Hong Kong, so với biến chủng Delta, Omicron có thể nhân bản nhanh hơn 70 lần ở đường hô hấp trên, dẫn đến nguy cơ lây lan cao hơn. Tổng Y sĩ Mỹ Vivek Murthy ngày 16/1 cảnh báo vài tuần tới sẽ là khoảng thời gian "rất khó khăn" vì số ca Covid-19 sẽ tiếp tục tăng do sự lan rộng của biến chủng Omicron. Ông Murthy cho biết Mỹ hiện ghi nhận khoảng 800.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Trong bối cảnh Omicron bùng phát, Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 2.596 ca tử vong liên quan đến Covid-19 và khoảng 874.000 ca nhiễm trên cả nước vào ngày 13/1, tăng gần gấp 8 lần so với một tháng trước đó. Mặc dù ông Murthy không đưa ra dự đoán về số người nhiễm bệnh mà Mỹ có thể ghi nhận trong thời gian tới, nhưng nhấn mạnh "vai trò quan trọng nhất của vaccine" trong việc giảm ca tử vong và nhập viện.
Các nghiên cứu ban đầu chỉ ra rằng, mặc dù có khả năng lây lan cao hơn, nhưng Omicron dường như gây triệu chứng nhẹ hơn so với các chủng khác của SARS-CoV-2. Vì Omicron dường như ít có nguy cơ gây bệnh nghiêm trọng hơn so với Delta, nên sự xuất hiện của biến chủng này đã làm dấy lên hy vọng rằng, đây sẽ là khởi đầu của xu hướng virus trở nên nhẹ hơn, như cảm lạnh thông thường. Một số nhà khoa học thậm chí tin rằng, Omicron có thể đánh dấu sự kết thúc của đại dịch Covid-19.
"2022 là năm đại dịch Covid-19 có thể kết thúc. Giờ đây, chúng ta đã có các công cụ có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này", bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật phụ trách Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhận định. Dự đoán này được đưa ra dựa trên tính toán rằng, đến giữa năm 2022, các nước đều đạt được tỷ lệ tiêm chủng ít nhất 70%.
Chủ tịch kiêm người đồng sáng lập hãng dược Moderna, Noubar Afeyan, gần đây dự đoán "năm 2022 có thể là năm mà đại dịch bước vào giai đoạn bệnh đặc hữu, nhưng điều đó còn phụ thuộc vào những gì xảy ra trên thực tế và các quyết định được đưa ra trên toàn thế giới".
Theo Thành Đạt/ Dân Trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/who-du-bao-tuong-lai-ket-thuc-dai-dich-covid19-20220117070039805.htm