Tổng thống Philippines dự kiến sẽ đề cập phán quyết tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình hôm nay (29/8).
Tổng thống Rodrigo Duterte và một số quan chức hàng đầu của Philippines, trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao Teodoro Locsin, đến Bắc Kinh tối muộn ngày 28/8. Theo lịch trình, ông Duterte có cuộc gặp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hôm nay 29/8 và cuộc gặp với Thủ tướng Lý Khắc Cường ngày mai 30/8.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. (Ảnh minh họa).
Đây là chuyến thăm thứ năm của ông Duterte đến Trung Quốc. Mặc dù nổi tiếng trong nước là có chính sách mềm mỏng với Trung Quốc, Tổng thống Duterte đang chịu áp lực ngày càng lớn khi Bắc Kinh ngày càng có nhiều hành động hung hăng trên biển.
Ông Duterte cam kết sẽ nêu phán quyết trọng tài quốc tế năm 2016 vô hiệu hóa yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Sự cố chìm tàu hồi tháng 6 liên quan đến ngư dân Philippines và một tàu Trung Quốc cũng đã gây phẫn nộ cho công chúng. Trước chuyến đi của Tổng thống Duterte, chủ tàu Trung Quốc làm chìm tàu cá Philippines đã xin lỗi vì sự cố này, nhưng nói thêm rằng đó là một "lỗi vô ý". Họ cũng hứa sẽ bồi thường cho ngư dân Philippines.
Người phát ngôn của ông Duterte, đang đi cùng ông đến Bắc Kinh, cho biết lời xin lỗi đã được chấp nhận.
Tổng thống Duterte buộc phải 'lên tiếng'?
Chuyến đi của Duterte diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên nhiều phương diện. Các tàu Trung Quốc ngang nhiên thách thức tài sản năng lượng và biên giới biển của Malaysia, Việt Nam và Philippines. Mỹ cáo buộc Trung Quốc "can thiệp cưỡng chế" vào hoạt động dầu khí.
Một số nhà ngoại giao và các nhà phân tích cho rằng việc xây dựng một quan điểm thống nhất chống lại sự quân sự hóa của Trung Quốc vẫn có thể thực hiện được.
Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết sự hiện diện của năm quốc gia Đông Nam Á khác và Nhật Bản với tư cách quan sát viên tại tòa trọng tài The Hague cho thấy có sự hỗ trợ đáng kể và "là tiếng nói khẳng định công lý quốc tế tồn tại và sẽ thắng thế".
Thẩm phán Tòa án tối cao Philippines, ông Antonio Carpio, ủng hộ các nước Đông Nam Á cùng với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Anh tiến hành các hoạt động tự do hàng hải và hàng không.
"Nếu Trung Quốc gây áp lực, có thể làm tăng khả năng chúng ta có quan điểm thống nhất xung quanh phán quyết đó. Nếu chúng ta không lên tiếng, sẽ không thể có một vị trí mạnh mẽ hơn",chuyên gia về Biển Đông Jay Batongbacal khẳng định.
Theo Phương Anh/VTC News
(Nguồn: Al Jazeera)