Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế cũng chính là “lá phiếu” ủng hộ đối với Chính phủ.
Sáng 12/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2017, với chủ đề “VBF-20 năm đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2020”.
Tham dự Diễn đàn có ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam; ông Kyle Kelhofer - Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Lào và Campuchia; đông đảo lãnh đạo các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2017.
Diễn đàn năm nay tập trung thảo luận các nội dung: Nâng cao năng suất và các nhân tố thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp; Thúc đẩy đầu tư khu vực tư nhân nhằm cải thiện tình hình tài chính; Cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân bứt phá.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, 20 năm qua, Chính phủ thường xuyên đối thoại thẳng thắn với các nhà đầu tư với mong muốn tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư làm ăn thành công ở Việt Nam. Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ tiếp tục cắt giảm từ 1/3 đến 1/2 thủ tục đầu tư kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, Giám đốc IFC phụ trách Việt Nam, Lào, Campuchia, ông Kyle Kelhofer đánh giá cao mô hình VBF ở Việt Nam. Trong khi nhiều nước không duy trì được lâu dài mô hình này thì Chính phủ Việt Nam liên tục đối thoại với các nhà đầu tư rất hiệu quả. Tại diễn đàn này, ông cho rằng Việt Nam cần tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh toàn cầu, tạo giá trị gia tăng của hàng hóa để nâng cao năng suất lao động, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0.
Cho rằng Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế tư nhân khi Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ dồi dào, ông Kyle Kelhofer khuyến nghị: “Hội nghị hôm nay chúng tôi muốn đề cập sâu về đầu tư cho lĩnh vực kinh tế tư nhân. Làm sao để đầu tư cho lĩnh vực kinh tế tư nhân hiệu quả trong một thời gian ngắn, làm sao phát huy vai trò và sự hỗ trợ của Chính phủ. Đây cũng là mục tiêu mà nhóm Ngân hàng Thế giới, trong đó có IFC đề ra và mong muốn hỗ trợ đầu tư tài chính. Một thực tế là các quốc gia đều coi trọng đầu tư cho kinh tế tư nhân ở nhiều cấp độ, coi đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia. IFC luôn sẵn sàng đầu tư cho các dự án kinh tế tư nhân, đáp ứng nhu cầu của các quốc gia, nếu các quốc gia có nhu cầu, nêu nhu cầu”.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các nhà đầu tư ngày càng đưa ra nhiều khuyến nghị, nhiều sáng kiến hay ở tầm vĩ mô lẫn vi mô để cùng Chính phủ định hình, xây dựng “ngôi nhà chung Việt Nam” ngày càng to đẹp.
Chia sẻ niềm vui về những thành công và sự phát triển vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, niềm tin, sự hứng khởi và tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đang lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Điều đó thể hiện qua việc trong năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới sẽ đạt mức kỷ lục trên 120.000 với số vốn đăng ký mới và bổ sung trên 3 triệu tỷ đồng. Đồng thời có trên 25.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đăng ký đạt kỷ lục trên 35 tỷ USD, tăng trên 30%, số vốn thực hiện đạt 17,5 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm qua.
“Mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà cũng chính là “lá phiếu” ủng hộ đối với Chính phủ, các cấp, các ngành trong nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ và là nguồn động viên để Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp chung tay cùng phát triển trong ngôi nhà chung Việt Nam”- Thủ tướng nêu rõ.
Nhờ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng cho biết, những năm qua, Việt Nam liên tục thăng hạng trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và nhiều tổ chức uy tín khác về môi trường kinh doanh. Tuy vậy, Việt Nam vẫn còn phải vượt qua nhiều thách thức để tiến tới Nhóm đầu ASEAN và và các chuẩn mực cao của OECD; thúc đẩy sự kết hợp chặt chẽ giữa FDI và doanh nghiệp trong nước tốt hơn và nhịp nhàng hơn.
Mặc dù cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ đến Việt Nam, nhưng Thủ tướng cũng nêu lên nhiều cơ hội với nhà đầu tư. Trong đó, Việt Nam có tầng lớp trung lưu tăng nhanh chóng; Việt Nam có nền tảng quan trọng để các nhà đầu tư phát triển các dịch vụ khi có tới trên 52 triệu người sử dụng internet và 55% dân số sử dụng điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, Chính phủ thay đổi về quản lý nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, khơi nguồn sáng tạo mang tính cạnh tranh. Chính phủ cũng đang thúc đẩy thực hiện số hóa dịch vụ công trên cơ sở công nghệ số, tạo động lực mới của tăng trưởng. Phấn đấu trong 2 năm tới có thể ký Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Châu Âu EU, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), mở ra không gian phát triển rộng lớn cho nền kinh tế.
Toàn cảnh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2017.
Trên tinh thần lắng nghe, tiếp thu để có thể thuận lợi hóa môi trường đầu tư kinh doanh hơn nữa, tại Diễn đàn, Thủ tướng cho biết, thời gian tới, cùng với việc duy trì ổn định vĩ mô, Chính phủ ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giúp tạo ra các kết nối thông minh, giảm chi phí cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Hiện nay Chính phủ đang tập trung cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật theo hướng tăng cường tính minh bạch, sự lành mạnh, an toàn và hiệu quả, thúc đẩy pháp quyền, nâng cao năng lực quản trị nhà nước và quản lý kinh tế vĩ mô nhằm duy trì sự tăng trưởng; bảo đảm sự thăng tiến xã hội không ngừng kéo tầng lớp thu nhập thấp tiến lên hội tụ với nhóm thu nhập trung bình và khá. Sự thăng tiến xã hội là chìa khóa để duy trì sự chuyển động của một vòng xoay tích cực, thúc đẩy lẫn nhau giữa các sự gia tăng tầng lớp trung lưu và tăng trưởng kinh tế. Chính cộng đồng doanh nghiệp vừa là động lực, vừa là phương tiện để Chính phủ hiện thực hóa tầm nhìn và ước vọng của mình”.
Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ luôn khuyến khích cạnh tranh công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ quản trị hiện đại, hướng tới áp dụng các tiêu chuẩn cao của OECD, tạo giá trị gia tăng cao. Đặc biệt là tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tư nhân như đề xuất của các nhà đầu tư.
Chính phủ đồng tình với nhiều đại biểu rằng cái gì mà tư nhân làm được thì để tư nhân làm. Chính phủ kiến tạo môi trường đầu tư tốt cho sự phát triển của mọi thành phần kinh tế, tiếp tục cải cách đổi mới, không để thụt lùi về mặt chính sách trong quá trình hội nhập sâu rộng ở Việt Nam. Chính phủ trân trọng và chào đón các nhà đầu tư và doanh nghiệp kinh doanh, khởi nghiệp tại Việt Nam, nhưng không hoan nghênh các hoạt động làm ăn không chân chính.
“Chính phủ kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các doanh nghiệp có hành vi gây ô nhiễm, phá vỡ tính bền vững của môi trường tự nhiên, gây ảnh hưởng tiêu cực tới giá trị truyền thống về văn hóa, xã hội; sử dụng lao động bất hợp pháp trẻ vị thành niên; phân biệt đối xử, ít quan tâm đến quyền lợi người lao động… “ – Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhấn mạnh chính cộng đồng doanh nghiệp là những người định hình nên diện mạo nền kinh tế Việt Nam trong những thập niên tới, Thủ tướng cho rằng, cũng chính các doanh nghiệp sẽ là một động lực quan trọng, hiện thực hóa khát vọng phồn vinh của dân tộc Việt Nam, trong đó Chính phủ đóng vai trò nhà kiến tạo phát triển.
Tại diễn đàn, đại diện các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư cũng đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam đã cải thiện rõ rệt. Việt Nam cũng đã sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao. Tuy nhiên, vẫn cần hoàn thiện các quy định về hợp tác công-tư (PPP) hay một số quy định về đất đai. Các nhà đầu tư cũng cho rằng, nếu các doanh nghiệp trong nước không nhanh chóng tham gia vào các chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI thì sẽ khó tạo sự phát triển vền vững. Các nhà đầu tư cũng đặc biệt lưu ý trong việc thúc đẩy thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực cắt giảm các loại chi phí của Chính phủ, nhưng vẫn có thể làm tốt hơn nếu một số loại phí, lệ phí lẽ ra nên được bãi bỏ nhưng chưa được Bộ đề xuất bỏ. Trong đó có phí cung cấp “Thông tin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; giấy chứng nhận hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh” theo quy định tại Thông tư 215/2016 của Bộ Tài chính.
Ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam cũng đặt vấn đề về cắt giảm chi phí doanh nghiệp, trong đó có chi phí không chính thức; giảm những yêu cầu chồng chéo hoặc mâu thuẫn của các đơn vị hành chính, gây lãng phí tài chính hoặc thuế.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Natasha Ansell thì cho rằng Việt Nam cần cấp bách thu hút vốn tư nhân vào lĩnh vực điện năng trên cơ sở kế hoạch đảm bảo nguồn năng lượng Made in Việt Nam trên cả góc độ tài chính, môi trường và chuỗi cung ứng. Cùng với đó là hiện đại và số hóa ngành giao thông vận tải để theo kịp tiến trình của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0./.
Vũ Dũng/VOV