Nêu thực tế Việt Nam đang thiếu lượng lớn nhân lực am hiểu công nghệ để thực hiện nhanh chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung kiến nghị để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo.
Giãn nợ "cứu" doanh nghiệp
Báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ diễn ra hôm nay, 5/5, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, tình hình kinh tế, xã hội cả nước đang có sự chuyển động rõ rệt, trong đó tín hiệu tích cực là lĩnh vực du lịch và dịch vụ phát triển trở lại.
Để có được kết quả đó, Bộ trưởng cho rằng, những tháo gỡ về cơ chế đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lo ngại, du lịch phát triển đến đâu thì kinh tế biển lại bị thu hẹp đến đó. Đây là vấn cần phải cân nhắc, nhìn từ lĩnh vực nông nghiệp
Vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng cho rằng, kéo dài biện pháp giãn nợ giúp cứu được rất nhiều doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp cho rằng, việc hỗ trợ và kéo dài chính sách giãn nợ quan trọng hơn cả việc cấp vốn mới.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ.
Thiếu nhân lực công nghệ
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề cập một vấn đề khác, thời gian qua, ngành Y tế đã có những quyết sách rất quan trọng để tháo gỡ những vướng mắc cho hoạt động của ngành. Theo ông, cần tiếp tục quan tâm tới vấn đề đầu tư trang thiết bị y tế khu vực bệnh viện công.
"Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ và Thủ tướng đang chỉ đạo rất đúng hướng khi chọn hai vấn đề có tính chất đột phá về phát triển nhanh và bền vững, đó là hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông và đẩy nhanh lĩnh vực công nghệ thông tin, trọng tâm là chuyển đổi số", Bộ trưởng phát biểu.
Tư lệnh ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá rất cao việc chuyển đổi số, cũng như việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Đây là hai hướng đi cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của quốc gia.
Trong các lĩnh vực quản lý của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Nếu giải quyết toàn bộ cơ sở dữ liệu, kết nối được từ lĩnh vực bảo hiểm, chi trả trợ cấp đến lĩnh vực lao động, việc làm, chăm lo người có công… sẽ tạo nền tảng cho một xã hội tốt hơn và công bằng hơn. Do đó, mong rằng Chính phủ và Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh việc chuyển đổi số".
Thực tế, Việt Nam đang thiếu lượng lớn cán bộ, nhân viên, những người am hiểu về công nghệ để thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn. Cụ thể, một năm, cả nước chỉ đào tạo được khoảng 60 - 70 nghìn người, trong khi nhu cầu đang cần khoảng 1 triệu người.
Do đó, Bộ lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng cho phép các trường đại học dành riêng đào tạo công nghệ thông tin và 45 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao có thể được phép thực hiện nhanh hoạt động đào tạo. Được vậy, trong khoảng 3 năm tới, cả nước có thể đạt được chỉ tiêu đào tạo nhân lực mong muốn.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/bo-truong-lao-dong-hien-ke-dao-tao-nhan-luc-de-day-nhanh-chuyen-doi-so-20230505181328210.htm