Cơ chế đặc thù quy định trong Nghị quyết 54 trước đây nêu rõ tổng mức dư vay nợ của TPHCM không quá 90% số thu ngân sách được hưởng, nhưng nay Chính phủ đề xuất tăng mức này lên 120%.
Chính phủ vừa gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tờ trình Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Tại dự thảo Nghị quyết này, Chính phủ trình thí điểm 7 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù về: Quản lý đầu tư; Tài chính ngân sách; Quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; Thu hút nhà đầu tư chiến lược; Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Tổ chức bộ máy của Thành phố; Tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức.
Cầu Sài Gòn - cây cầu huyết mạch ở cửa ngõ TPHCM, nối các quận trung tâm với TP Thủ Đức và các tỉnh Đông Nam Bộ (Ảnh: Hữu Khoa).
Dùng số dư cải cách tiền lương chi cho thu nhập tăng thêm, đầu tư hạ tầng
Về quản lý đầu tư, Chính phủ đề xuất HĐND TPHCM được phân bổ nguồn tăng thu ngân sách địa phương cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ mới sau khi bố trí đủ cho chương trình, dự án trong tổng số vốn đầu tư công trung hạn ngân sách địa phương.
Dự kiến, TPHCM có thể huy động từ các nguồn tăng thu khoảng 119.000 tỷ đồng, ngoài mức vốn đã được bố trí cho các dự án trọng điểm, cấp thiết.
"Chính sách này cho phép HĐND Thành phố quyết định để tạo sự chủ động, linh hoạt trong việc bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương", theo lập luận của Chính phủ.
Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội quy định thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông, sử dụng ngân sách địa phương triển khai dự án đầu tư công độc lập để bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với các dự án đầu tư vùng phụ cận nhà ga thuộc tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên, Đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương)…
Đối với cơ chế, chính sách về tài chính ngân sách, Chính phủ đề xuất HĐND TPHCM quyết định áp dụng, điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục và hưởng 100% số thu tăng thêm.
Chính sách này đã được thực hiện kể từ khi có Nghị quyết 54, song Chính phủ muốn tiếp tục áp dụng tạo điều kiện cho TPHCM phát huy hiệu quả vai trò công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của chính sách phí, lệ phí; tăng khả năng huy động nguồn thu đóng góp cho ngân sách từ một số ngành, lĩnh vực có tăng trưởng tốt.
Nguồn cải cách tiền lương còn dư được đề xuất cho TPHCM sử dụng để đầu tư cơ sở hạ tầng, chi thu nhập tăng thêm; tăng chi đầu tư, mua sắm, hoạt động chuyên môn.
Một nội dung khác được Chính phủ đề xuất liên quan quy định Thành phố được tăng tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.
Trước đây, Nghị quyết 54 quy định tỷ lệ này không vượt quá 90%. Với lý giải trong giai đoạn tới, TPHCM dự kiến triển khai thêm một số dự án với tổng nhu cầu vay là khoảng 92.020 tỷ đồng. Nhưng theo tính toán, từ sau năm 2026, Thành phố không còn bảo đảm hạn mức dư nợ vay để vay tiếp.
Do đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép nâng mức nợ vay của ngân sách Thành phố lên 120%, nhằm đáp ứng nhu cầu huy động nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng.
Chính phủ đề xuất quy định UBND TPHCM phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại theo quy định hiện hành (Ảnh: Nguyễn Thành).
Với cơ chế, chính sách về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, Chính phủ kiến nghị cho phép HĐND TPHCM quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Chính phủ cũng đưa ra đề xuất quy định UBND TPHCM phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại theo quy định hiện hành hoặc phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội ở vị trí khác tương đương về quy mô.
Theo Chính phủ, quy định hiện hành về việc dự án nhà ở thương mại phải dành 20% tổng diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội có một số điểm chưa phù hợp trong thực tiễn, đặc biệt với những dự án có quy mô nhỏ hoặc dự án nằm ở khu đất có giá trị thương mại rất cao.
Giảm tải cho Chủ tịch UBND TPHCM, tăng lãnh đạo phường, xã
Đối với cơ chế, chính sách về ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TPHCM, Chính phủ nêu thực tế thời gian qua, TPHCM đã lỡ nhiều cơ hội thu hút đầu tư dự án công nghệ cao có quy mô lớn do không có cơ sở và thẩm quyền áp dụng cơ chế ưu đãi.
Do đó, cần có chính sách với ngành nghề ưu tiên để thu hút nhà đầu tư chiến lược, có trình tự thủ tục rõ ràng để lựa chọn nhà đầu tư và có mức ưu đãi hấp dẫn đủ mạnh để Thành phố có thể cạnh tranh với các địa phương ở các quốc gia khác.
Về cơ chế, chính sách quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, dự thảo Nghị quyết quy định HĐND TPHCM quy định tiêu chí, lĩnh vực thử nghiệm các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi một số khu vực có kiểm soát như Khu công nghệ cao, Trung tâm đổi mới sáng tạo…
Chính sách này giúp Thành phố được chủ động thí điểm, triển khai áp dụng các công nghệ mới, tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng sản phẩm và sức cạnh tranh của nền kinh tế Thành phố.
Nút giao thông ngã ba Cát Lái (TP Thủ Đức) nằm ở điểm cuối của đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ kết nối với Xa lộ Hà Nội (Ảnh: Hoàng Giám).
Về cơ chế, chính sách về tổ chức bộ máy của TPHCM, Chính phủ đề xuất tăng số lượng phó chủ tịch UBND huyện, phường, xã, thị trấn từ 2 lên 3 người bởi thực tế, trên địa bàn Thành phố có 48 phường có dân số 80.000 dân trở lên, có 6 phường có dân số trên 100.000 dân.
Theo quy định hiện nay, Chủ tịch UBND Thành phố được ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND cùng cấp, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp hoặc Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp.
Dự thảo lần này đề xuất được ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan hành chính khác và đơn vị sự công lập thuộc UBND Thành phố, nhằm nâng cao vai trò chủ động cho người đứng đầu các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, giảm tải áp lực công việc cho Chủ tịch UBND Thành phố.
Về cơ chế, chính sách tổ chức bộ máy của Thành phố Thủ Đức, Chính phủ đề xuất tạo điều kiện cho địa bàn này chủ động giải quyết thủ tục hành chính bằng cách phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm HĐND, UBND, Chủ tịch UBND Thành phố cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND Thành phố Thủ Đức.
Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM gồm 12 điều, sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, theo quy trình rút gọn, thông qua tại một kỳ họp.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/chinh-phu-de-xuat-cho-tphcm-duoc-tang-tong-muc-du-vay-no-len-120-20230420131148239.htm