205
/
135090
Làm rõ trách nhiệm giải ngân đầu tư công chậm
lam-ro-trach-nhiem-giai-ngan-dau-tu-cong-cham
news

Làm rõ trách nhiệm giải ngân đầu tư công chậm

Thứ 3, 27/09/2022 | 08:16:00
2,213 lượt xem

Đó là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia sáng ngày 26.9.

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ tháng 1 - 9.2022 chưa đạt như kỳ vọng, ước đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng giao. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị NHẬT BẮC

Theo lãnh đạo Bộ KH-ĐT, nguyên nhân giải ngân còn thấp được rà soát, thống kê do 25 nguyên nhân, phân thành 3 nhóm chính: thể chế, chính sách, chủ yếu về lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường, xây dựng, đấu thầu…; khó khăn liên quan tổ chức triển khai thực hiện; tính đặc thù của kế hoạch năm 2022. Trong đó, nguyên nhân chính do công tác tổ chức thực hiện. Bộ KH-ĐT đề xuất 8 giải pháp để thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong những tháng còn lại của năm.

Hà Nội, TP.HCM giải ngân thấp

Báo cáo của Bộ KH-ĐT cho biết chỉ 2 cơ quan T.Ư và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch, nhưng có tới 39/51 bộ, cơ quan T.Ư và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,70%). Trong đó, 14 bộ, ngành và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch giao.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, tính đến ngày 23.9, TP.HCM giải ngân được 10.877 tỉ đồng trong tổng số 37.997 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 25%. Lý giải việc giải ngân chậm, theo lãnh đạo TP.HCM, là do khó khăn trong giải phóng mặt bằng (GPMB). Trong đó, một số dự án tồn tại chục năm nay, ảnh hưởng lớn đến công tác đầu tư và giải ngân. Để xử lý, TP đã tập trung nhiều giải pháp quyết liệt, nhiều dự án giao thông tồn tại cả chục năm đã được khởi động trở lại. TP.HCM cũng lập tổ công tác chuyên về GPMB để tập trung các địa bàn có khối lượng lớn và phức tạp như TP.Thủ Đức và một số quận, huyện. Dự kiến đến tháng 10 tới sẽ cơ bản tháo gỡ được GPMB trên 90% để phục vụ triển khai các dự án.

Một nguyên nhân khác là giá cả vật liệu xây dựng, nhân công, xe, máy móc… làm cho nhà thầu thi công cầm chừng. Lãnh đạo TP.HCM đã gặp từng nhà thầu cụ thể trong từng dự án để tháo gỡ, thuyết phục. Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư các dự án ODA cần phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh thời gian thực hiện, bố trí vốn, ký kết hiệp định vay mất nhiều thời gian.

Về phía Hà Nội, theo ông Hà Minh Hải, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, tính đến ngày 23.9 đã giải ngân hơn 17.170 tỉ đồng, đạt 33,6% kế hoạch. TP gặp 4 điểm nghẽn gồm khó khăn trong công tác GPMB, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường. Thứ hai là khó khăn do biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu. Thứ ba, dự án ODA có rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Thứ tư, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư một số dự án còn chậm do vướng mắc trong thực hiện chỉ giới đường đỏ, quy hoạch, tuân thủ quy định chuyên ngành.

Ông Hải thông tin HĐND TP.Hà Nội đã thông qua Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn để giảm đầu mối, tầng nấc, tăng tính chủ động cho cấp cơ sở. UBND TP cũng yêu cầu các chủ đầu tư căn cứ năng lực hiện có và các điều kiện thực hiện, có văn bản cam kết thực hiện công tác giải ngân vốn năm 2022; phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt 93,2% kế hoạch vốn được giao.

Chia sẻ kinh nghiệm của một trong số ít các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết hằng năm TP chỉ tập trung vốn cho từ 7 - 10 dự án trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, ưu tiên bố trí vốn thực hiện dự án theo nguyên tắc bố trí 100% chi phí GPMB và 80% chi phí xây lắp. Năm 2022, TP.Hải Phòng đã được Thủ tướng giao kế hoạch vốn là 12.720 tỉ đồng. Ước giải ngân của TP đã đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng giao, dự kiến năm 2022 sẽ giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao.

Làm ngày làm đêm để thúc giải ngân

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định một trong số các nhiệm vụ quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là giải ngân đầu tư công. Theo người đứng đầu Chính phủ, “chỉ còn một quý của năm 2022, thời gian không chờ đợi ai cả, chúng ta phải hành động quyết liệt, tích cực, có hiệu quả. Tôi mong các đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, động viên nhau cùng làm, nêu gương cho cấp dưới, làm ngày làm đêm, làm hết việc chứ không hết giờ, tất cả vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì nhân dân phục vụ”.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục giao vốn chi tiết (75.000 tỉ đồng còn lại) cho các dự án đủ điều kiện. Các tổ công tác tiếp tục triển khai nhiệm vụ, vừa kiểm tra, đôn đốc, vừa động viên các đơn vị, vừa tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Thủ tướng yêu cầu đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; tiếp tục rà soát lại các dự án, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, tránh chia cắt, dàn trải, manh mún, kéo dài. Các cơ quan, đơn vị cần chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh nhiều khó khăn, nhất là khi giá cả nguyên vật liệu có nhiều biến động. Riêng khó khăn trong GPMB, Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB thành dự án độc lập với một số dự án lớn, Thủ tướng giao các cơ quan tiếp tục đề xuất cấp có thẩm quyền với các dự án khác.

Thủ tướng cũng ghi nhận, biểu dương những kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được; đồng thời phê bình các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp và chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công. Yêu cầu các cơ quan, địa phương nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, báo cáo Thủ tướng trong tháng 10 tới.

Báo cáo của Bộ KH-ĐT cho biết năm 2022, tổng vốn đầu tư công khoảng 580.000 tỉ đồng, cao hơn khoảng 100.000 tỉ đồng so với năm 2021. Các bộ, ngành, địa phương đã giao vốn chi tiết cho các dự án đủ điều kiện 505.000 tỉ đồng. Ước giải ngân đến cuối tháng 9 đạt trên 253.000 tỉ đồng, tăng hơn 34.000 tỉ đồng so với cùng kỳ.

Có 12 bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 70%, gồm: Quảng Ngãi, Hưng Yên, Ngân hàng Chính sách xã hội, Thái Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình, Tây Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN, Bà Rịa-Vũng Tàu và Tiền Giang. Nhiều dự án quan trọng quốc gia đang được triển khai đúng tiến độ, tỷ lệ giải ngân tốt; có 4 dự án thành phần Dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 đạt kế hoạch đề ra.

Theo Mai Hà/ Thanh Niên

https://thanhnien.vn/lam-ro-trach-nhiem-giai-ngan-dau-tu-cong-cham-post1504032.html

  • Từ khóa

Đề nghị khai trừ Đảng cựu Bí thư Quảng Ngãi Lê Viết Chữ

Bộ Chính trị đề nghị T.Ư Đảng khai trừ Đảng cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ. Ban Bí thư đã khai trừ cựu Phó bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Hoàng...
17:39 - 19/04/2024
337 lượt xem

Bộ Y tế sẽ chỉ giữ lại một số ít bệnh viện đầu ngành

Theo đề án đang xây dựng, Bộ Y tế sẽ tập trung tăng cường quản lý Nhà nước với ngành, lĩnh vực được giao và chỉ giữ lại một số ít bệnh viện đầu ngành, phù...
14:29 - 19/04/2024
624 lượt xem

Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo xử lý hình sự nếu cố tình 'đầu độc' sông Bắc Hưng Hải

Nếu xử lý hành chính, xử phạt nhiều lần vẫn không khắc phục thì phải khởi tố để xử lý hình sự, đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhằm kiên...
09:37 - 19/04/2024
535 lượt xem

Quân và dân Đồng bằng Bắc Bộ phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ

Ðồng bằng Bắc Bộ (bao gồm phần lớn Liên khu 3 và Khu Tả ngạn), là địa bàn có vị trí chiến lược trọng yếu trong thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ...
07:31 - 19/04/2024
560 lượt xem

Lễ dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương

Sáng 18-4 (tức mùng 10 tháng 3 âm lịch), Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Phú Thọ dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương...
08:43 - 18/04/2024
1,160 lượt xem