Trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị văn hóa toàn quốc sáng 24-11, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định vai trò lớn của văn hóa: "Văn hóa còn thì dân tộc còn".
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với các đại biểu tham dự Hội nghị văn hóa toàn quốc tổ chức sáng 24-11 tại Nhà Quốc hội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn sau hội nghị này, công tác văn hóa sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.
Văn hóa làm nên hồn cốt dân tộc
Khẳng định ý nghĩa đặc biệt của Hội nghị văn hóa toàn quốc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói lâu nay văn hóa chưa được một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức đầy đủ vai trò "soi đường cho quốc dân đi".
Mượn lời tiền nhân: "Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất", Tổng bí thư nhấn mạnh sự đồng tình với quan điểm "văn hóa còn thì dân tộc còn". Văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc nên mất văn hóa là mất dân tộc. Điều này được ông khẳng định nhiều lần trong suốt bài phát biểu.
Tổng bí thư dẫn ra nhiều khái niệm văn hóa mang tính học thuật của các nhà nghiên cứu và cũng chia sẻ quan niệm giản dị của mình về văn hóa. Theo đó, văn hóa rất gần gũi với đời sống, khi người dân được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ công bằng... ấy chính là văn hóa. Ngược lại, những xấu xa, bỉ ổi chính là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa.
Tổng bí thư dẫn dụ một số ca dao, tục ngữ, lời thơ - cũng là quan niệm về "văn hóa" của dân tộc như: Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng; Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn; Thương người như thể thương thân; Lá lành đùm lá rách; Lá rách ít đùm lá rách nhiều; Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ; Kính lão đắc thọ; Kính già, già để tuổi cho; Anh em như thể chân tay; Kính trên nhường dưới; Vợ ta đói rách ta thương, vợ người áo gấm xông hương mặc người; Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn; Thuận bè thuận bạn tát cạn Biển Đông; Đói cho sạch, rách cho thơm; Thật thà là cha quỷ quái; Tôn sư trọng đạo; Lời chào cao hơn mâm cỗ; Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng; giữ lấy "nếp nhà", giữ lấy "Chân quê" (bài thơ của Nguyễn Bính năm 1936); giữ lấy tình nghĩa thủy chung son sắt (bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu)...
Tổng bí thư cũng dẫn ra tinh thần yêu nước và nhân ái tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong Di chúc của Người để khẳng định cái hồn cốt thiêng liêng của dân tộc, cái vốn văn hóa quý giá của đất nước. Vốn văn hóa ấy còn nằm ở gia tài con người.
Ông nhắc đến những danh nhân văn hóa Việt Nam được UNESCO vinh danh như: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Chủ tịch Hồ Chí Minh và gần nhất là hai thi sĩ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu.
Sự sa sút do chủ quan là chính
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định nhận thức của Đảng ta về văn hóa trong thời kỳ đổi mới ngày càng được hoàn thiện và sâu sắc hơn, việc triển khai trong thực tế cũng tốt hơn nên gần đây văn hóa có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống, đi vào cả trong chính trị và trong kinh tế, công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa có bước khởi sắc.
Nhưng cũng có một thực tế là việc thể chế các quan điểm của Đảng còn chậm, việc triển khai thực hiện các chính sách đâu đó còn chưa tốt. Ông bày tỏ buồn lòng bởi văn hóa văn nghệ hiện nay có phần sa sút trên nhiều mặt. Văn hóa chưa được các cấp các ngành nhận thức sâu sắc, chưa được quan tâm đầy đủ, chưa thành nguồn lực nội sinh để phát triển đất nước.
Đầu tiên là việc thiếu vắng những tác phẩm lớn, những nghệ sĩ lớn. Ca nhạc chỉ thấy nhảy múa, ăn mặc hở hang để giải trí để khán giả rảnh thì xem chứ không phải là kênh giáo dục con người như chức năng vốn có của nó.
"Văn nghệ sĩ phải sáng tác thế nào để giáo dục, bồi đắp tâm hồn con người chứ không phải chỉ chạy theo giải trí, thị trường.
Xưa kháng chiến khó khăn là vậy nhưng chúng ta có bao tác phẩm hay, nghệ sĩ nổi tiếng khiến cả triệu trái tim rung động.
Bây giờ nhìn thấy có ai, tác phẩm lớn nào không. Bảo tàng thì cho thuê mặt bằng làm kinh tế mất cả giá trị bản sắc văn hóa đi..."
Tổng bí thư thẳng thắn bày tỏ và đặt câu hỏi: "Mai kia ta có còn giữ được văn hóa không?".
Tiếp đến là câu chuyện chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền, nhiều di sản văn hóa quý báu có nguy cơ mai một, thậm chí tiêu vong. Công tác lãnh đạo chỉ đạo về văn hóa còn chậm trễ, đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, dàn trải, hiệu quả chưa cao.
Chất lượng cán bộ văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa coi trọng đúng mức việc phát huy giá trị của văn hóa truyền thống trong hiện tại trong khi "bắt chước nước ngoài nhố nhăng, phản cảm".
Theo ông, sự yếu kém, khuyết điểm này ảnh hưởng tới môi trường văn hóa của chúng ta. Nguyên nhân thì có cả khách quan và chủ quan, trong đó do chủ quan là chính.
Đó là một bộ phận cán bộ văn hóa chưa nhận thức đầy đủ toàn diện đường lối văn hóa của Đảng, phương thức quản lý văn hóa chậm đổi mới... thể chế hóa thiếu đồng bộ, cán bộ thực hiện thiếu quyết liệt, thiếu hiệu quả...
Giữ lấy nếp nhà, giữ lấy chân quê
Nhắc tới câu chuyện Bác Hồ trước lúc đi xa muốn nghe một câu hò, một câu ví, một đôi khúc dân ca..., Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn nêu gương về tinh thần yêu văn hóa truyền thống của Bác và quan trọng nữa là phải vực lại đạo đức, bồi đắp những nhân phẩm tốt đẹp của người Việt hàng ngàn năm để lại qua kho tàng ca dao, tục ngữ, thơ văn như nhân ái, thủy chung, nghĩa tình, trung thực, tôn sư trọng đạo, yêu nước...
Ông nhắn nhủ hãy "giữ lấy nếp nhà, giữ lấy chân quê", giữ cho đẹp cái tình thủy chung, sau trước...
6 nhiệm vụ trọng tâm
Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ:
1. Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
2. Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo...
3. Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa: bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ. Nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền của đất nước.
4. Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng miền; phát triển các phong trào văn hóa sâu rộng, thực chất; cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, bảo đảm sự công bằng. Đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa.
5. Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng; hiệu quả quản lý của Nhà nước; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong sự nghiệp phát triển văn hóa.
6. Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh.
"Chấn hưng văn hóa bắt đầu bằng giáo dục
Nếu môi trường bị phá hủy chỉ mất vài chục năm để khắc phục nhưng mất văn hóa là mất nhiều thế hệ mới khắc phục được. Nhiều lần tiếp xúc với các bạn trẻ, tôi được các sinh viên chia sẻ suy nghĩ rằng dường như xã hội đang trọng đồng tiền quá và nhiều người lo cho bản thân mình nhiều quá.
Trước những chia sẻ ấy, chúng ta nhất thiết phải đặt ra nhiệm vụ, tự thôi thúc mình phải kiên trì chấn hưng văn hóa một cách thiết thực. Để chấn hưng văn hóa thì phải bắt đầu bằng giáo dục. Phải thực hiện bằng được đổi mới căn bản giáo dục, phải cầu thị và rất kiên trì. Và với cán bộ văn hóa, không ai toàn diện nhưng tôi mong các cán bộ đều cố gắng thành tấm gương văn hóa.
Tôi kêu gọi tất cả lãnh đạo, không chỉ lãnh đạo văn hóa, hãy bằng hành động cụ thể chú trọng đến văn hóa, đó là lắng nghe ý kiến chuyên gia trước khi đưa ra các quyết định của mình trong lĩnh vực mình quản lý, không chỉ lĩnh vực văn hóa.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam
"10 giải pháp khắc phục những hạn chế về văn hóa
Trong báo cáo tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu nhiều yếu kém, bất cập trong văn hóa thời gian qua như ngành văn hóa chưa ban hành được hệ giá trị chuẩn về văn hóa và con người Việt Nam làm cơ sở triển khai trong thực tiễn. Chưa đề xuất được những giải pháp mang tính đột phá khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam.
Nhiều loại hình di sản văn hóa truyền thống có dấu hiệu xuống cấp, mai một, biến dạng, chưa có giải pháp hữu hiệu giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Văn học nghệ thuật thiếu vắng những tác phẩm lớn. Nhập siêu văn hóa kéo dài, mức đầu tư cho văn hóa đối ngoại còn thấp. Đặc biệt, môi trường văn hóa gia đình - nhà trường - xã hội có lúc có nơi chưa lành mạnh, có mặt xuống cấp, tính cộng đồng làng xã suy giảm, quan hệ xã hội đôi khi mang tính thực dụng, vụ lợi.
Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, mất dân chủ, thu vén lợi ích cá nhân, chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, học hàm, học vị, lợi ích nhóm... còn xảy ra ở nhiều nơi. Doanh nghiệp gian lận thương mại, làm tổn hại tới cả sức khỏe và sinh mạng con người. Không ít đảng viên vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống. Từ đó ông Nghĩa đưa ra 10 giải pháp để khắc phục những hạn chế, phát triển văn hóa, đạo đức xã hội:
1. Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững.
2. Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.
3. Hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa.
4. Phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, văn nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý; cho các lĩnh vực then chốt, đặc thù.
5. Xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội; văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
6. Phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước.
7. Xây dựng nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.
8. Phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xây dựng con người Việt Nam theo tinh thần nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị.
9. Tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế khác đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người.
10. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế.
"Hướng tới mục tiêu văn hóa đóng góp 7% GDP vào năm 2030
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh quyết tâm xây dựng văn hóa trong thời gian tới để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh phát triển và bảo vệ đất nước. Để làm được điều này, ông kiến nghị Đảng, Nhà nước quan tâm đầy đủ để bộ thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn của ngành văn hóa, hướng tới mục tiêu văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP vào năm 2030. Ông cũng đề nghị được hỗ trợ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
Tập trung đầu tư cho các tài năng
Thời những năm 1960 đến đầu những năm 1970, tôi và một thế hệ sinh viên nghệ thuật đã được cử đi học ở Liên Xô, Bulgaria, Hungary, Đức... với rất nhiều loại hình như sân khấu, âm nhạc, hội họa... Nhờ những chuyến du học đó mà chúng ta có một lực lượng khá hùng hậu làm nền tảng cho việc mở các trường đào tạo nghệ thuật trong nước như hiện nay.
Bây giờ chúng ta muốn du học phải theo tư cách cá nhân, mà du học tự túc thì thường người ta không chọn học về sân khấu. Nhà nước đã có chủ trương đào tạo những đạo diễn, diễn viên tài năng nhưng vẫn chỉ là trong nước. Tôi nghĩ chúng ta có thể áp dụng phương thức khi phát hiện những cá nhân tài năng ở lĩnh vực sân khấu thì nên tập trung đầu tư cho đi học, đi thi, tham gia các liên hoan quốc tế để cọ xát thì sẽ nâng cao trình độ, mở mang kiến thức, tầm nhìn.
Đạo diễn - NSND Trần Minh Ngọc
Chăm chút cho văn hóa đọc và kiến tạo xã hội học tập
Trong chiến lược phát triển nền văn hóa VN đến năm 2030, bên cạnh chủ trương tận dụng nền công nghiệp 4.0 để giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; cùng với việc chấp nhận và ghi nhận sự khác biệt để tạo nét đặc sắc của nền văn hóa VN, thiết nghĩ các cấp quản lý văn hóa cũng nên chú trọng đầu tư vừa bằng ngân sách nhà nước, vừa khuyến khích xã hội hóa cụ thể các loại hình xuất bản phẩm, mang đến cho người dân nền tảng kiến thức khoa học xã hội, khoa học kỹ thuật bằng sản phẩm đa phương tiện.
Đây sẽ là một nguồn động lực quan trọng có tác dụng thúc đẩy những ai đang hoạt động trong ngành xuất bản, trong thị trường sách có thêm niềm đam mê tìm tòi khám phá, tạo ra nhiều tác phẩm, sản phẩm có chất lượng đáp ứng nhu cầu và duy trì niềm yêu thích khoa học; vừa tiện lợi để người đọc tiếp cận tri thức, đồng thời nuôi dưỡng tâm hồn cho người dân. Từ đó mới dần tạo thói quen đọc, hình thành văn hóa đọc và kiến tạo một xã hội học tập.
Bà Đinh Thị Thanh Thủy (giám đốc Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM)
Cần môi trường cởi mở để phản biện
Theo tôi, phải có một môi trường cởi mở để có tiếng nói phản biện từ những người trong cuộc. Nếu không có môi trường cởi mở đó, văn nghệ sĩ viết, sáng tác mà không đăng được, không phổ biến được thì không lay động trái tim con người được. Thậm chí những người có trách nhiệm, Nhà nước cũng phải không đứng ngoài cuộc.
Nếu không có môi trường cởi mở để văn nghệ sĩ góp tiếng nói phản biện thì người dân sẽ nghe tiếng nói lề trái. Chẳng hạn yêu nước là một giá trị văn hóa của người Việt Nam, hiện nay và trong tương lai cùng với sự thay đổi của công nghệ và đời sống xã hội, cần hiểu như thế nào là yêu nước? Mình nên nói cho người dân hiểu, nên đưa các tác phẩm văn học nghệ thuật có sức gợi và bồi đắp lòng yêu nước của người dân, để cho người dân thấy có mình trong các tác phẩm đó.
Nhà văn Trầm Hương (phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM)
Theo Thiên ĐIểu - TTXVN - L.Đoan - L.Điền/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/hoi-nghi-van-hoa-2021-ky-vong-van-hoa-ghi-dau-moc-moi-20211125084840621.htm