Tết đến, chuẩn bị cho những cuộc vui gặp gỡ, nhiều người đã tranh thủ “bỏ túi” một số cách giải rượu bia. Thế nhưng các mẹo này có thực sự giải được rượu bia hay không, có giúp “tăng đô”, “uống không say” hay không?
Mẹo truyền miệng, mẹo truyền… mạng
Ông Phạm Văn Nga (quận 4, TP.HCM) chia sẻ một câu chuyện mà ông từng gặp.
Cách đây 20 năm, ông có đi ăn đám cưới ở quê. Uống rượu quá nhiều ông say đến nỗi sáng sớm hôm sau không đi ra bến xe nổi.
Một bà cụ bèn rót thêm một ly rượu, bảo ông: “Uống đi cho tỉnh”. Ông ngạc nhiên nhưng cũng uống, quả thật sau đó thấy đỡ nhức đầu, chóng mặt và có thể lên xe đò tỉnh táo về tới nhà rồi mới… gục.
Ông Nga cho rằng những mẹo “dùng độc trị độc” như thế này có thể có hiệu quả trong một số trường hợp nên người ta vẫn chia sẻ, truyền miệng cho nhau biết. Nhưng bản thân ông thấy rất nguy hiểm.
Ông Nga cũng cho biết ông từng nghe mẹo nếu say rượu thì uống bia để… giảm say. Ông đã thử áp dụng và thấy say còn nhanh hơn, đầu óc choáng váng hơn say bình thường. “Tôi ngừng uống rồi đi ngủ mà khi dậy “hậu say xỉn” còn nặng hơn là chỉ uống rượu hoặc chỉ uống bia. Từ đó tôi không dám uống chung rượu với bia nữa” - ông kể.
Còn ông Trần Văn Mạnh (quận Bình Thạnh) tiết lộ ông có một mẹo riêng, đó là khi uống bia, ông nhúng đầu ngón trỏ tay phải vào ly bia lạnh cho đầu ngón tay trở nên thật lạnh. Sau đó nhấn đầu ngón tay này vào vành tai phải (huyệt số 57), rồi chấm qua huyệt giữa hai chân mày (huyệt số 26), vuốt nhẹ xuống sống mũi hai cái.
“Quan trọng là mình chỉ uống một đến hai ly vừa sức mình thôi chứ không uống quá thì mới không lo say xỉn” - ông nói.
Chưa biết các mẹo truyền miệng trên hiệu quả như thế nào nhưng mẹo truyền… mạng trên Internet thì có vài chục món ăn, nước uống, mẹo giải rượu. Được chia sẻ nhiều nhất trong số đó là uống nước trà chanh, nước gừng, nước cà chua, vitamin C, ăn no bụng trước khi uống, uống bột sắn dây, ngửi dầu thơm… Thậm chí có cả những “bí kíp” như trước khi uống bia nên cụng ly và hô to nhiều lần “dô dô dô” để… hơi rượu bia thoát bớt ra đường miệng, sẽ giảm say xỉn.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn (quận Tân Phú, TP.HCM) đã làm theo các mẹo này. Mỗi khi nhậu ông thường xuyên pha một ca đá chanh để trên bàn. Cứ uống ngụm bia hay hớp ngụm rượu xong, ông lại uống thêm nước chanh. Không biết hiệu quả giải rượu hay không nhưng sau một thời gian nhậu nhiều, ông có triệu chứng đau bao tử. Đi khám bệnh thì phát hiện viêm loét dạ dày, men gan cao, bác sĩ yêu cầu bỏ bia rượu, giảm đồ chua, đồ cay.
Giải ít, hại nhiều
TS Phan Thế Đồng, giảng viên khoa Khoa học và Công nghệ, ĐH Hoa Sen TP.HCM, phân tích người say rượu bia sẽ có cảm giác nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, khát nước. Khi hấp thụ rượu bia, cơ thể sẽ khó chuyển hóa các chất khác, dẫn đến tình trạng bị thiếu chất.
“Khi áp dụng các mẹo uống chanh, cà chua, sinh tố… người say có thể thấy khỏe hơn một chút là nhờ các món này cung cấp vitamin, khoáng chất để cơ thể đỡ mệt mỏi. Thực ra hoàn toàn không có công dụng giải rượu. Cơ thể hấp thu rượu bia đã khiến gan phải hoạt động nhiều hơn. Việc bồi thêm nước uống này, món ăn nọ có thể làm tăng gánh nặng, quá tải cho gan” - TS Đồng khuyến cáo.
BS CKII Trần Ngọc Lưu Phương, khoa Tiêu hóa, BV Nguyễn Tri Phương, TP.HCM, cho rằng việc ngửi các loại tinh dầu như dầu thơm chẳng hạn có thể là một phương pháp tác động lên khứu giác. Hoặc việc day ấn các huyệt có thể tác động đến thần kinh, giúp giảm cảm giác nhức đầu, chóng mặt. Tuy nhiên, nó chỉ giúp cho người say đỡ các triệu chứng say mà thôi, không có tác dụng giải rượu.
“Một khi rượu bia đã hấp thu vào cơ thể thì không thể dùng thức ăn hay chất nào để giải rượu bia cả. Nguyên tắc là muốn đỡ say thì trước khi uống rượu bia phải ăn thật no, nhất là ăn các thức ăn có dầu mỡ để ngăn cản sự hấp thu rượu bia sau đó. Uống thêm nhiều nước lọc để giảm nồng độ cồn. Không nên lạm dụng các nước có vị chua vì kích ứng bao tử” - BS Phương cho hay.
Cũng theo BS Phương, lan truyền mẹo giải rượu mà không hiểu rõ thực hư, lợi hại có thể dẫn đến cách hiểu lệch lạc, lạm dụng rượu bia. Người uống rượu bia tin rằng các nước uống mẹo, các loại thuốc giải rượu có hiệu quả nên không tự kiềm chế bản thân, lại lạm dụng rượu bia, dẫn đến hậu quả xấu cho sức khỏe.
Cứ phải dùng “chiêu” Đại gia đình tôi cũng thường sum họp ăn uống, không tránh được rượu bia. Nhưng các chị em trong nhà có “chiêu”. Một là cứ món ngon dọn ra cho ăn trước, bia thì rề rề cho lên sau. Các món ăn thường là những món ăn với bún, bánh mì, cần ăn nóng, có nhiều khoai lang, khoai môn, hay cà rốt, củ cải để tăng tinh bột, chất xơ. Nhắc chừng là các anh ăn đi kẻo nguội, rồi ép cho ăn nhanh. Khi bao tử đã no no rồi, các anh có muốn uống cũng không uống được nhiều nữa, đỡ hại cho sức khỏe. Chị TRẦN HOÀNG OANH, quận Phú Nhuận, TP.HCM Một số nghiên cứu cho thấy bột sắn dây cũng có thể giúp giảm hấp thu rượu bia. Uống bột sắn dây trước khi uống rượu bia có thể giúp tráng bao tử, tạo một lớp màng giúp giảm hấp thu bia rượu. Tuy nhiên, nó cũng chỉ có tác dụng nếu uống rượu bia vừa phải. Còn đã uống nhiều rượu bia rồi thì bột sắn dây cũng không thể giúp được. BS-TS TRƯƠNG THỊ NGỌC LAN, Phó Viện trưởng Viện Y Dược học |
Theo Quỳnh Như/Pháp luật TPHCM