79% ý kiến hài lòng về chất lượng khám chữa bệnh, còn hơn 20% chưa hài lòng, chủ yếu nhất là do nhà vệ sinh bệnh viện bẩn, bốc mùi, sau đó là vấn đề thời gian chờ khám quá lâu.
Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: T.L)
Đó là thông tin đưa ra tại Hội nghị giảm thời gian chờ khám, chữa bệnh, cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện do Bộ Y tế tổ chức sáng nay (18.5).
Về vấn đề nhà vệ sinh bệnh viện, Bộ trưởng Tiến bức xúc khi tại nhiều nơi, nhà vệ sinh của cán bộ y tế thậm chí không có xà bông rửa tay. Theo đánh giá, vẫn còn đến 18% chỉ đạt mức 1, 2, không đạt yêu cầu. Nhà vệ sinh bệnh viện thường bẩn, nền nhà ướt, không có xà bông rửa tay... Theo thống kê, chỉ khoảng 2% đạt được như khách sạn 5 sao, 4 sao.
“Cơ sở y tế nào để nhà vệ sinh bẩn thì kết luận trưởng khoa, giám đốc bệnh viện đó ở bẩn; quy trách nhiệm rõ. Không thể để tình trạng nhà vệ sinh của cán bộ y tế, người bệnh như hiện nay”, Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), kết quả khảo sát thí điểm sự hài lòng của gần 3.000 người bệnh nội trú sau khi xuất viện, thông qua phỏng vấn trên điện thoại vào tháng 4 - 7.2017, tại 29 bệnh viện tuyến tỉnh và huyện thuộc 21 tỉnh, thành trên cả nước, cho thấy, chỉ số hài lòng người bệnh trung bình đạt 3,98 điểm; tương ứng với mức độ hài lòng đạt gần 80% kỳ vọng.
Trong đó, người bệnh hài lòng nhất với phục vụ cấp phát và hướng dẫn sử dụng thuốc; kém hài lòng nhất với nhà vệ sinh bệnh viện. Cụ thể, lĩnh vực nhà vệ sinh bệnh viện có chỉ số hài lòng người bệnh thấp nhất (3,58 điểm), tiếp theo là lĩnh vực chi phí khám, chữa bệnh và chất lượng giường, chăn, ga, gối, đệm (lần lượt là 3,88 và 3,9 điểm).
Ông Nguyễn Huy Nga, chuyên gia về y tế dự phòng, cho biết, nhà vệ sinh trong bệnh viện không đảm bảo sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, góp phần làm lây lan bệnh tật (các nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện, người nhà bệnh nhân, các bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện có thể bị các bệnh lây nhiễm truyền qua đường phân, đặc biệt các dịch đường ruột như tả, lỵ, thương hàn, tay chân miệng); hạ thấp phẩm giá của người sử dụng dịch vụ y tế khi vào bệnh viện, do phải tiếp xúc với mùi hôi hám, đặc biệt là đối với người già, trẻ em và người khuyết tật.
Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cũng cho biết, sắp tới sẽ coi tiêu chí nhà vệ sinh là tiêu chí đặc biệt quan trọng (coi như điểm liệt). Nếu nhà vệ sinh ở mức 1, 2 thì chất lượng xếp loại kém. Đồng thời chú trọng cung cấp trang thiết bị nhà vệ sinh như giấy vệ sinh, nước, xà phòng…
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị, sắp tới, khi chấm điểm đánh giá bệnh viện, cần chấm điểm cao tiêu chí về nhà vệ sinh bệnh viện và thời gian chờ khám bệnh. Bệnh viện không thể đạt được điểm chất lượng cao, nếu để nhà vệ sinh bẩn, thời gian chờ đợi quá lâu.
Thao Thùy Linh/Lao động Online