BGTV- “Đến hẹn lại lên”, cứ vào mỗi dịp nghỉ lễ, nhiều người có thói quen sử dụng rượu, bia để ăn mừng, chúc tụng, kéo theo mối nguy hại về tình trạng lạm dụng cũng như rượu giả vẫn đang len lỏi trên thị trường.
Hãy uống có trách nhiệm với sức khỏe và gia đình
Hệ lụy đau lòng từ rượu bia
Tác hại của rượu, bia là điều nhiều người biết đến, tuy nhiên vẫn có những trường hợp lạm dụng, coi thường sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của mình. Trường hợp của anh Hoàng Văn B (xã Thanh Hải, Lục Ngạn) là một điển hình, trong một lần “quá chén” với bạn bè tháng 2 vừa qua anh B phải nhập viện cấp cứu vì bị ngã, gây chấn thương sọ não. Thoát được “cửa tử” nhưng một phần mảnh ghép sọ hiện vẫn đang được chờ cấy ghép tại bệnh viện Việt Đức, theo các bác sỹ tại đây cho biết sức khỏe anh B từ nay sẽ khó có thể hồi phục hoàn toàn. Chị Thu, vợ anh nghẹn ngào: “Thấy chồng bảo đi uống rượu cùng bạn bè từ sớm, đến đêm thì thấy có cuộc điện thoại báo chồng bị ngã ở cầu thang mất rất nhiều máu, gia đình tôi phải chuyển anh xuống bệnh viện Đa khoa, cũng nghĩ là đêm đấy không qua khỏi nhưng nhờ giời đến giờ tuy chưa hồi phục hoàn toàn những đã có thể nhận biết được mọi người”
Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, có nhiều trường hợp đến cấp cứu tại bệnh viện vì viêm tụy cấp, tổn thương phổi, gan, suy gan, trụy mạch, rối loạn đông máu… do uống rượu, bia quá nhiều. Không ít trường hợp điều trị tốn kém cả trăm triệu đồng, sau khi ra viện mang những di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe. Bên cạnh đó, số người chết, bị thương vì TNGT do sử dụng rượu, bia cũng không hề nhỏ, song nhiều người chạm mặt “cửa tử” . Nhiều người tàn tật suốt đời sau tai nạn, để lại nỗi ám ảnh cho chính họ và nỗi đau cho gia đình, người thân, gánh nặng của xã hội.
Tỷ lệ nữ sử dụng rượu bia có chiều hướng gia tăng những năm gần đây
Uống có chừng, dừng đúng lúc
Theo Chi cục ATVSTP cho biết, nguyên nhân khiến ngộ độc rượu có xu hướng gia tăng là do thị trường vẫn tồn tại rượu không đảm bảo an toàn, rượu chứa hàm lượng methanol cao, rượu giả, rượu không bảo đảm chất lượng… Bên cạnh việc người sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận mà vi phạm pháp luật, thì ý thức của người tiêu dùng vẫn còn hạn chế, công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực này còn nhiều khó khăn.
Tại Việt Nam, việc mua bán – sử dụng rượu bia rất phổ biến, đáng ngại hơn là nhiều loại rượu bia không rõ nguồn gốc, không được kiểm soát, rượu lậu khá phổ biển trên thị trường, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cao. Vào các dịp nghỉ lễ không ít trường hợp nhập viện vì ngộ độc rượu, bia, số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia vẫn rất cao.
Lạm dụng rượu bia là con đường ngắn dẫn tới những tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe
Qua phân tích từ các vụ ngộ độc rượu cho thấy nguyên nhân hàng đầu là do rượu có pha cồn công nghiệp methanol (chiếm khoảng 50% số ca tử vong do rượu), trong khi tại các bệnh viện chưa có biện pháp giải độc hoàn toàn, nếu may mắn giải độc kịp thời vẫn có thể để lại di chứng nặng nề ở não bộ. Để giảm thiểu nguy cơ đối với sức khỏe và xã hội, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam, 1 đơn vị cồn/ngày với nữ, và không uống quá 5 ngày/tuần (Một đơn vị cồn tương đương 10 g cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống, tức khoảng 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%) hoặc 1 cốc bia hơi 330 ml hay 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%) hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%)a. Không sử dụng rượu, bia trong khi điều khiển phương tiện xe cơ giới, vận hành máy móc, có thai, điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có tình trạng bệnh lý mà rượu, bia làm cho nặng lên.
Việc sử dụng rượu, bia trong đời sống sinh hoạt hàng ngày là điều khó tránh khỏi,tuy nhiên để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, mỗi người hãy nâng cao ý thức, trách nhiệm trước khi “nâng chén” để có một dịp nghỉ lễ an toàn, lành mạnh và vui vẻ.
Minh Anh