Không tuân thủ phác đồ, bỏ giữa chừng lộ trình điều trị là nguyên nhân chính khiến 16.000 người chết vì bệnh lao trên cả nước trong năm 2017. Bác sĩ cảnh báo, lao đang là bệnh tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đe dọa lây lan trong cộng đồng.
Bé trai 2 tuổi đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm của bệnh lao vì không được chích ngừa
Kết quả thống kê sơ bộ của ngành y tế vừa được công bố vào đầu tháng 4/2018 cho thấy, trong năm 2017 trên cả nước có tới 160.000 người bị bệnh lao, trong đó có 16.000 người tử vong vì căn bệnh này. Hiện Việt Nam là quốc gia có số người chết vì bệnh lao xếp thứ 16 trên toàn cầu với nguy cơ lây lan bệnh ở mức cảnh báo.
Lao là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể lây lan qua đường hô hấp, tiêu hóa, tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết, lây truyền từ mẹ sang con… Bệnh lao hiện đã có vắc xin chủng ngừa, tuy nhiên một nhóm người ở khu vực vùng sâu vùng xa, người có điều kiện kinh tế khó khăn chưa chú ý đến việc phòng bệnh.
Phân tích chuyên môn của TS.BS Nguyễn Hữu Lân, Phó ban chỉ đạo triển khai chiến lược Quốc gia phòng chống lao TPHCM, Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạnh, chỉ ra: Mặc dù ngành y tế đã nỗ lực phòng chống với mục tiêu tiến đến thanh toán bệnh lao, tuy nhiên bệnh còn lưu hành. Thực trạng trên là do cộng đồng còn kỳ thị với người mắc bệnh lao khiến những người bị bệnh và những gia đình có người không may mắc bệnh che dấu, tạo điều kiện cho bệnh phát tán.
Hiện nay bệnh lao kháng thuốc và cả lao đa kháng thuốc đã có phác đồ điều trị mang lại hiệu quả cao thời gian điều trị liên tục khoảng 8 tháng. Tuy nhiên, đa số người mắc bệnh lao điều kiện kinh tế rất khó khăn nên không đáp ứng được liệu trình, bỏ ngang việc điều trị hoặc tâm lý thờ ơ với sự nguy hiểm do bệnh gây nên khiến tỷ lệ tử vong do bệnh lao còn ở mức cao.
Theo Vân Sơn/Dân trí