Mạng xã hội đang trở thành nơi chia sẻ vô tội vạ các bài thuốc đông y, nam dược gắn mác “gia truyền” không được kiểm chứng. Đánh vào lòng tin người sử dụng bằng cách chia sẻ truyền miệng, dược liệu bẩn đang có cơ hội lan tràn dễ dàng hơn lúc nào hết.
Có bệnh “vái” mạng xã hội?
Rất nhiều loại thuốc Đông Y đang được bán tràn lan trên mạng dù nguồn gốc dược liệu không có nguồn gốc xuất xứ vẫn được quảng cáo như thần dược trị bệnh.
Cây gấc, một trong 4.000 nguồn cây thuốc của Việt Nam chỉ có thể phát huy tác dụng khi được trồng tưới, thu hoạch, bào chế đúng cách.
Từ mạng xã hội, tràn lan các bài thuốc chữa bách bệnh thậm chí còn được truyền miệng là Đông Y thần dược - dùng là khỏi như Thuốc điều kinh bà Bục, thuốc giảm cân bà Dung, thuốc trị hôi miệng, hôi nách, tăng cân, táo bón tới chữa các bệnh phụ khoa.
Dược tính thì chưa được kiểm chứng đã có những trường hợp suýt mất mạng vì các bài thuốc trên mạng. Anh Phan Văn Huỳnh ở thành phố Thái Nguyên đã phải vào viện điều trị vì tin dùng thuốc chữa đau dạ dày được quảng cáo là của dân tộc Tày từ một người bạn cùng nhóm Facebook những người bạn sinh năm 1977 “Đinh tỵ - Rắn vàng”. Sau 20 ngày dùng thuốc, anh trở nên kém ăn, sốt cao li bì liên tục và dần dần thấy khó thở. Trước tình trạng bệnh xấu đi, anh Huỳnh vào Bệnh viện Bạch Mai thăm khám thì được biết men gan của anh tăng quá cao đến mức nguy hiểm tính mạng cần nằm viện điều trị tích cực.
Theo thống kê của Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm có gần 20 ca cấp cứu do ngộ độc rượu ngâm thuốc bắc, chưa kể đến các trường hợp ngộ độc, nguyên nhân trực tiếp là uống thuốc sắc.
Bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, từng cho biết: “Chúng tôi vẫn gặp những trường hợp ngộ độc cấp do sử dụng các thuốc chế biến từ dược liệu. Nhiều bệnh nhân không có bệnh liên quan đến gan nhưng khi xét nghiệm thấy men gan cao, sau đó có thể truy ra nguyên nhân là sử dụng thuốc sắc.”
Nếu như trong việc chữa trị đông y theo cách truyền thống, việc tư vấn hay bắt mạch, kê đơn sẽ được thực hiện bởi lương y hoặc bác sĩ chuyên môn nhưng ở thời điểm hiện tại, chỉ một vào “click chuột” hoặc tham khảo thông tin lan truyền trong các nhóm kín, người tiêu dùng dễ dàng nhận được những lời tư vấn từ bài bản cho tới những thông tin chia sẻ không cần kiểm chứng.
Từ quan niệm “có bệnh vái tứ phương”, mạng xã hội trở thành nơi lan truyền dễ dàng nhất của các loại dược liệu không đạt các tiêu chuẩn kiểm nghiệm (không đủ hàm lượng hoạt chất), dược liệu không rõ nguồn gốc, dược liệu chứa các tác nhân gây bệnh như chất độc sinh học (vi khuẩn, nấm, virus, ký sinh trùng) và hóa chất (dư lượng thuốc BVTV, kim loại nặng, hàm lượng nitrat) hay còn được gọi là dược liệu bẩn.
Theo Lương y Phùng Tuấn Giang, nhà thuốc đông y Thọ Xuân Đường, thực tế hiện nay, các bài thuốc đông y trên mạng được lan truyền rất nhiều, mọi người đều dễ dàng tìm kiếm và chỉ mang tính chất tham khảo. Tuy nhiên, với hệ thống lý luận y học cổ truyền, việc chẩn đoán bệnh cần phải toàn diện, biện chứng luận trị kỹ lưỡng mới có được phương pháp điều trị phù hợp.
“Ngoài việc người bệnh khi sử dụng các vị thuốc không đúng để chữa bệnh, một số cách chế biến sai cách, sơ sài không khoa học càng không nên. Bào chế đông dược đòi hỏi phải có kiến thức và kĩ năng, việc bào chế ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc. Vì vậy, việc áp dụng bài thuốc trên mạng, đi mua theo để tự chữa bệnh cũng không được khuyến khích”. - Lương y Phùng Tuấn Giang khẳng định.
Tiêu chuẩn sạch nào cho nguồn dược liệu Việt?
Tháng 8/2013, Các cơ quan quản lý y tế ở châu Âu từng lên tiếng cảnh báo, một số loại thuốc Đông y của Trung Quốc có chứa hàm lượng chì, thủy ngân và thạch tín “cao đến mức nguy hiểm”. Cũng trong thời gian này, theo con số của Viện Dược liệu, đây lại là nguồn dược liệu chính được nhập vào Việt Nam, chiếm tới 90% nguyên liệu Đông dược trên thị trường.
Đảm bảo trồng hái, chăm tưới theo tiêu chuẩn chất lượng, các nông dân trồng dược liệu đang tận dụng nguồn dược liệu quý trong nước để tạo thu nhập cao trên đồng đất của mình.
Trước thực trạng trên, kể từ năm 2016, Liên minh châu Âu đã cho triển khai Dự án Phát triển dược liệu sạch BioTrade tại Việt Nam để có thể phát triển nguồn dược liệu quý giá trong nước. Dự án này trở thành sợi dây kết nối giữa các doanh nghiệp dược liệu với người nông dân để xây dựng vùng trồng cho đến khâu sản xuất, chiết xuất dược liệu theo tiêu chuẩn châu Âu và theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới GACP-WHO, tiêu chuẩn Hữu cơ Organic, tiêu chuẩn ISO 22000...
BioTrade hay các tiêu chuẩn trên trở thành nhãn mác dễ nhận diện của dược liệu sạch được chăm sóc, trồng hái bởi những người nông dân Việt Nam. Người tiêu dùng có thể tìm chọn những sản phẩm thảo dược mang logo BioTrade để được yên tâm về nguồn gốc chất lượng. Tính đến nay, đã có 22 vùng trồng dược liệu theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt này tại Việt Nam để cung cấp cho các doanh nghiệp dược trong nước, tạo thu nhập ổn định hơn hơn 6.000 nông dân tại các vùng trồng trên cả nước.
Có thể điểm tên các vùng trồng dược liệu tiêu biểu liên tục cung cấp nguồn cây thuốc quý ổn định cho các doanh nghiệp dược như trồng atiso và chè dây tại Lào Cai; quế tại Yên Bái; hồi tại Lạng Sơn; bèo hoa dâu tại Bắc Giang; quất, dây thìa canh, đinh lăng tại Nam Định; gấc, rau má tại Nghệ An; bụp giấm, cỏ mực, diệp hạ châu, lạc tiên, rau đắng đất tại Phú Yên, nghệ tại Đăk Lắk; atiso tại Lâm Đồng...
Đây đều là những vùng trồng hợp thổ nhưỡng, được đầu tư bài bản và được các doanh nghiệp dược liệu cam kết đảm bảo đầu ra sản phẩm khi các hộ nông dân thực hiện đúng cam kết nuôi trồng, chăm sóc và thu hái theo đúng tiêu chuẩn châu Âu dưới sự giám sát của các doanh nghiệp Dược và Dự án BioTrade.
Dù chưa có số liệu chính thức về thị phần dược liệu Việt đang được xây dựng lại này là bao nhiêu nhưng có thể thấy, nguồn dược liệu sạch, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng kể trên sẽ là nguyên liệu đầu vào quan trọng để các công ty dược liệu trong nước đầu tư công nghệ, chiết suất các hàm lượng dược chất cao. Hơn lúc nào hết, người tiêu dùng đang rất cần đến những loại thuốc Đông với chất lượng được kiểm chứng phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe của mình.
Theo Minh Tuệ/Dân trí